Bộ sách Lịch sử VN tái bản lần thứ nhất gồm 15 tập với nhiều điểm mới.  


(bvd-vn.de)  Đó là một trong những điểm mới trong lần tái bản thứ nhất (2017) của bộ sách Lịch sử Việt Nam gồm 15 tập với hơn 10 ngàn trang do Viện Sử học Việt Nam biên soạn. Theo lời người đại diện của nhóm tác giả gồm hơn 30 nhà nghiên cứu sử, “đây là bộ thông sử quy mô chưa từng có từ trước đến nay ở VN, từ thời khởi thủy cho đến những năm 2000”. Ban thông tin Liên hiệp xin giới thiệu tóm tắt với bà con và bạn đọc một số điểm mới tiêu biểu đã được chỉnh sửa, bổ sung của bộ sách Lịch sử Việt Nam theo thứ tự “ngược dòng thời gian”.

1. Cuộc chiến tranh ở biên giới phía Bắc nước ta, bắt đầu từ tháng 2.1979, là cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc vào lãnh thổ Việt Nam. Cuộc chiến tranh xâm lược này đã kéo dài đến tận năm 1988.
 


Đặng Tiểu Bình (Deng Xiaoping, 1904-1997) đã phát động và chỉ huy quân Trung Quốc trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam năm 1979.  


2. Chính quyền Việt Nam cộng hoà là một thực thể ở miền Nam Việt Nam, đã tồn tại trong gần 21 năm (1954-1975). Việt Nam Cộng hoà (từ 1955) là nối tiếp của Quốc gia Việt Nam (1954-1955). Đó là một thực thể trên lãnh thổ quốc gia VN. Các cụm từ “ngụy quân”, “ngụy quyền” đã được thay bằng “quân đội Sài Gòn”, “Chính quyền Sài Gòn”.
 


(Từ trái) Ngô Đình Diệm (1901-1963) Tổng thống đầu tiên của Chính quyền Việt Nam cộng hoà; Dương Văn Minh (1916-2001)Tổng thống cuối cùng của Chính quyền Việt Nam cộng hoà. 
 

3. Nhà Nguyễn đã có công hoàn thiện sự nghiệp thống nhất đất nước, củng cố bộ máy cai trị toàn quốc, từ Lạng Sơn đến Mũi Cà Mau. Các chúa Nguyễn và Nhà Nguyễn đã xác định chủ quyền của đất nước với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Thời đó, hàng năm triều đình đã cử những đội Hoàng Sa, đội Bắc Hải đi tuần thú ở các đảo vùng Hoàng Sa, Trường Sa bây giờ. Lúc bấy giờ nước ta là vương quốc mạnh trong khu vực Đông Nam Á.
 


(Từ trái) Vua Gia Long (Nguyễn Phúc Ánh, 1762-1820 ) sáng lập Nhà Nguyễn; Vua Bảo Đại (Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy, 1913-1997) Hoàng đế cuối cùng của triều Nguyễn và cũng là vua cuối cùng của chế độ quân chủ tại Việt Nam.  


Khi tổng hợp bản tin này, những người thực hiện cứ nghĩ mãi về một tình huống có thể xảy ra và cho rằng, các nhà viết sử đời nay đang làm khó thật nhiều cho các thế hệ mai sau. Ta thử hình dung tình huống sau đây: vài trăm năm sau, một nhóm sinh viên làm luận văn dựa vào một tài liệu hiếm hoi đối với thời đại của họ là bộ sách Lịch sử VN lần xuất bản đầu tiên, còn một nhóm khác sử dụng bộ Lịch sử VN lần tái bản thứ nhất. Hai bộ sách chỉ ra đời cách nhau vài chục năm thôi (một khoảng thời gian quá ngắn ngủi trong lịch sử), nhưng chắc hẳn sẽ tạo ra những cuộc tranh cãi học thuật gay cấn lắm!
 
Tin: Ban TT LH (tổng hợp)
Ảnh: Internet

 

Go to top