Một trong các đảo nhân tạo-căn cứ quân sự của Trung Quốc – Ảnh: Focus


(bvd-vn.de)  Xinhua đưa tin, hôm nay, 26.4.2017, Tàu Giao Long của Trung Quốc đã đến địa điểm khảo sát trên Biển Đông, bắt đầu đợt thám hiểm Biển Đông kéo dài đến ngày 13.5.17. Được biết, con tàu thám hiểm này hồi 2012 đã lặn đến độ sâu hơn 7.000 m ở Mariana, rãnh sâu nhất đại dương ở tây Thái Bình Dương. Nhân hành động này, Ban thông tin LH xin giới thiệu cùng bà con và bạn đọc bài viết của hai tác giả Đỗ Thiện và Nguyễn Thế Phương, nghiên cứu viên cộng tác của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS) – ĐHQG TP.HCM, vừa đăng trên trang Vietnamnet. 

Có thể thấy khối các nước G7 không chỉ “hoài nghi” mà thật sự quan ngại về tham vọng đi kèm hành động ẩn chứa những rủi ro bạo lực vô pháp của Trung Quốc.

Tại cuộc họp mới đây, các nhà lãnh đạo thuộc khối G7 (Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Anh và Mỹ) đã bày tỏ quan ngại đối với vấn đề tranh chấp trên biển vốn liên quan đến an ninh nhiều quốc gia. Cuộc họp G7 lần này cũng có sự hiện diện của Liên minh châu Âu (EU).

Trong tuyên bố chung của mình, nhóm lãnh đạo G7 tuyên bố “chúng tôi nhận thấy phán quyết của Tòa Trọng tài thành lập theo Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS) ngày 12/7/2016 là nền tảng hữu ích đối với các nỗ lực nhằm giải quyết một cách hòa bình các tranh chấp ở biển Đông“.

 


Vị trí những bãi đá đã bị Trung Quốc biến thành căn cứ quân sự  - Ảnh: Spiegel


Lo ngại xu hướng bạo lực của Bắc Kinh.

Trước đây, nhóm các nước G7 thường được nhắc đến với các những thảo luận về chính sách và vấn đề kinh tế, hơn là những nội dung chính trị thuần túy. Tuy nhiên khoảng vài năm gần đây, các nhà lãnh đạo G7 đã quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề an ninh, chính trị, bao gồm cả xung đột ở Biển Đông.

Tại cuộc họp lần này, G7 không chỉ thảo luận về sự kiện Mỹ tấn công tên lửa vào Syria và lệnh trừng phạt Nga, mà còn bày tỏ sự phản đối về vấn đề quân sự hóa tại Biển Đông.

Tuyên bố chung của G7 “nhắc nhở” các quốc gia liên quan cần tránh bất kỳ hành động đơn phương có thể làm tăng căng thẳng tình hình khu vực, như đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, cải tạo các vùng biển rộng lớn, xây dựng các tiền đồn với mục đích quân sự. Dù không đề cập cụ thể đến quốc gia nào, nhưng với những gì đang diễn ra hiện nay ở Biển Đông, gần như có thể khẳng định G7 đang nhắm vào TQ.

Tính đến nay, tại khu vực Biển Đông, duy chỉ có TQ ra yêu sách (Đường Chín Đoạn) trái với luật pháp quốc tế và chưa có dấu hiệu từ bỏ, bất chấp phán quyết của Tòa Trọng tài hồi năm ngoái, tấn công trực diện vào yêu sách của Bắc Kinh: (i) Quyền lịch sử mà TQ áp đặt đối với vùng biển phía bên trong “đường lưỡi bò” là vô hiệu; (ii) Các thực thể địa lý trong khu vực Trường Sa chỉ có lãnh hải 12 hải lý và không tạo ra một vùng biển như một thực thể thống nhất; (iii) Những hoạt động cải tạo đảo của TQ đối với quần đảo Trường Sa là vi phạm luật Quốc tế.

 

Tàu chiến Trung Quốc tại Biển Đông - Ảnh: Focus

Năm ngoái, trước thềm Tòa Trọng tài đưa ra phán quyết, G7 cũng tuyên bố ủng hộ và kêu gọi các nước liên quan tuân thủ chặt chẽ, lấy đó làm cơ sở giải quyết tranh chấp. Việc nhắc lại quan điểm “thượng tôn pháp luật” lần này không chỉ là một tuyên bố ngoại giao trước sau thống nhất, mà còn là một tuyên bố gián tiếp phủ nhận các yêu sách vô lý mà Bắc Kinh cố tình theo đuổi bấy lâu nay.

Điều cần lưu ý là tuyên bố G7 được đưa ra sau khi phía TQ có thông tin nước này sẽ tiến hành xây dựng một trạm quan sát môi trường trên bãi cạn Scarborough (?!) hồi tháng trước. Các nhà quan sát nghi ngờ đó là một “phần nổi” của tảng băng mà TQ thực sự mong muốn xây dựng – một khu phức hợp quân sự có vai trò chiến lược tại Biển Đông và trong cả khu vực.

Việc thẳng thắng nhấn mạnh “chống quân sự hóa”, kêu gọi biện pháp “xây dựng lòng tin”, “xây dựng an ninh”, “giải quyết tranh chấp hòa bình, thiện chí, dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có cơ chế Tòa Trọng tài”,... cho thấy G7 không dừng ở “hoài nghi” mà thật sự quan ngại về tham vọng đi kèm hành động ẩn chứa những rủi ro bạo lực vô pháp của TQ. Không chỉ các nước ASEAN mà nay G7 cũng kêu gọi các nước phải xây dựng và tuân thủ Quy tắc Ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC). 

Bổ trợ cho giải quyết tranh chấp Biển Đông.

Tuyên bố của G7 một lần nữa cho thấy các tranh chấp chủ quyền biển tại khu vực Biển Đông nói chung và tại Tây Thái Bình Dương nói riêng gây quan ngại lớn không chỉ cho các nước có liên quan. Tại hội nghị G7 năm ngoái do Nhật Bản làm chủ nhà, TQ đã phản ứng hết sức cương quyết trước tuyên bố chung của G7, cho rằng các nước thuộc nhóm này đã “đưa ra phát ngôn khiến căng thẳng leo thang”.

 


Tàu lặn của Trung Quốc khảo sát tại Biển Đông. Ảnh: Mercopress

Nhật Bản và Mỹ là hai thành viên nổi bật trong nhóm G7 và có lợi ích trực tiếp liên quan tới các tranh chấp hàng hải ở khu vực. Mặc dù phát ngôn của G7 không thể giúp ngăn cản hành vi của TQ, nhưng tiếng nói từ các nước công nghiệp lớn của thế giới luôn là sự ủng hộ cần thiết, giúp tăng sức ép cụ thể lên các hoạt động phi pháp của TQ ở khu vực, tạo sức nặng giúp duy trì tính pháp lý của phán quyết Tòa Trọng tài, làm giảm tính chính danh của Bắc Kinh trong các tranh chấp.

Tuy nhiên, các phát ngôn của G7 hay bất cứ một tổ chức quốc tế nào khác chỉ mang tính bổ trợ cho cuộc đấu tranh chủ quyền dài hạn Biển Đông. Năm trong 7 nước G7 nằm ngoài tranh chấp và không có lợi ích trực tiếp gắn với tranh chấp.

Hiện tại, khó có thể đòi hỏi toàn bộ nhóm phải có cách tiếp cận mạnh mẽ và trực tiếp hơn. TQ có mối quan hệ thương mại và kinh tế lớn với các nước G7. Các tính toán về lợi ích và chiến lược ở tầm toàn cầu của các nước lớn khiến cho họ kiểm soát các mối quan hệ với nhau một cách chặt chẽ và đầy thực dụng. G7 cũng hiểu rằng các phát ngôn chỉ trích TQ của họ hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của chính sách, và phản ứng mà Bắc Kinh đưa ra dù ở mức độ nào cũng là điều có thể dự đoán trước.

Yếu tố chính yếu thúc đẩy các biện pháp hiệu quả nhằm quản trị tranh chấp ở khu vực không gì khác hơn đến từ chính các mắt xích trực tiếp có liên quan, mà chủ yếu là giữa TQ – các nước Đông Nam Á và mối quan hệ giữa các nước lớn. Chính bản thân G7 đã nhấn mạnh rằng các bên tranh chấp cần phải tìm lối thoát bằng đàm phán theo những cách thức hoà bình và không gây ra bất ổn khu vực mà COC là một gợi ý quan trọng.

Tranh thủ sự ủng hộ của các nước lớn, ở đây là các nước G7, là một cách tiếp cận ngoại giao đúng đắn cho các nước như Việt Nam. Tăng cường tiếp xúc nhằm trao đổi các vấn đề liên quan tới luật pháp quốc tế hay an ninh quốc phòng đã và đang trở thành những điểm tích cực trong quan hệ giữa Việt Nam và các nước G7, ngoài yếu tố kinh tế.
 
Bài: Đỗ Thiện và Nguyễn Thế Phương (SCIS)
Ảnh:  Internet

 

 
Go to top