Quang cảnh hội thảo – Ảnh: Baomoi

(bvd-vn.de) Theo các nguồn tin Việt Nam, Trong 2 ngày 11 và 12/10/2016, tại TP. Hải Phòng, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật TP. Hải Phòng phối hợp với Hội Thiên nhiên và Môi trường biển Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “An ninh Môi trường và Hàng hải vì một Biển Đông xanh”. Tham dự Hội thảo có khoảng 150 nhà khoa học, quản lý đến từ nhiều nước: Việt Nam, Philipin, Nhật Bản,  Mỹ, Pháp, Bỉ, Singapore...

Mục tiêu của Hội thảo khoa học lần này nhằm: Tạo diễn đàn trao đổi và đối thoại giữa các nhà khoa học, các nhà quản lý và chuyên gia quốc tế và trong nước về các vấn đề và thách thức đối với an ninh môi trường biển, an toàn và an ninh hàng hải và hàng không ở Biển Đông; Chia sẻ các bài học kinh nghiệm, các thực tiễn tốt cho việc xây dựng một Biển Đông xanh; Đề xuất các sáng kiến và các giải pháp ‘xanh’ để đảm bảo an ninh môi trường, an toàn và an ninh hàng hải và hàng không trên Biển Đông trong bối cảnh ‘Hậu phán quyết’(của Toà trọng tài quốc tế PCA); Tăng cường và mở rộng mạng lưới nghiên cứu khoa học biển về Biển Đông giữa các nhà khoa học Việt Nam và cộng đồng khoa học quốc tế.
 
GS.TS John W.MacManus, Trường Đại học tổng hợp Miami (Mỹ) cho rằng nơi đây đang bị tàn phá nặng nề. Ông nói: “Mọi thứ đều bị hủy hoại. Đặc biệt là các hoạt động của Trung Quốc. Những tàu cá Trung Quốc đào bới, nạo vét để tìm ngao, sò khổng lồ. Trung Quốc nói dối về việc họ không xây dựng đảo nhân tạo ở các rạn san hô. Thực tế họ đã phá hủy rất nhiều. Tác động của các quốc gia khác chưa bằng 1% những hoạt động của họ”.


Các học giả khẳng định,  99% tác động phá hủy môi trường Biển Đông là của Trung Quốc - Ảnh: Thanhnien 

TS Annette Junio Menne, Đại học Tổng hợp Philippines khẳng định, ở Biển Đông có một tam giác san hô với hơn 500 loài san hô khác nhau. Đây là ngôi nhà của 3.000 loài sinh vật. Tuy nhiên việc xây dựng, bồi đắp biến các bãi đá thành đảo nhân tạo của Trung Quốc là quá thô bạo, vượt quá các tiêu chuẩn. Nhiều khu vực của rạn san hô và bãi trầm tích đã bị mất vĩnh viễn. Điều đó gây tổn thất lớn về lâu dài cho môi trường. Bà nói: "Về khía cạnh kinh tế, mỗi năm thế giới mất ít nhất 4 tỉ US Đô la vì các hoạt động khai thác bừa bãi trên Biển Đông của Trung Quốc. Điều đó không chỉ vi phạm hòa bình mà còn cả sự thịnh vượng của các quốc gia trên Biển Đông nữa”.


Triển lãm bên lề hội thảo - Ảnh: Baotainguyenmoitruong

Thông qua hội thảo quốc tế lần này, các nhà khoa học và quản lý tham dự muốn chuyển đi một Thông điệp: ‘Hãy chung tay xây dựng một Biển Đông xanh – một vùng biển lành mạnh (healthy ocean), thịnh vượng (prosperious ocean) và hòa bình (peaceful ocean)!’. Đây cũng là cơ hội để các nhà khoa học tiếp tục tăng cường và mở rộng quan hệ hợp tác khoa học trong các lĩnh vực liên quan đến chủ đề hội thảo./.
 
Tin: BTT LH
Ảnh: Internet

Go to top