Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nm và Liên minh châu Âu (EVFTA) đã kết thúc đàm phán vào ngày 02.12.2015– Ảnh: cafef.


(bvd-vn.de) Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên hiệp châu Âu (EU) và Việt Nam (viết tắt là EVFTA) đã kết thúc đàm phán vào ngày 02.12.2015. Để hiện thực hóa lợi ích của EVFTA, Việt Nam và EU đã thống nhất sẽ nỗ lực hoàn tất quá trình phê chuẩn để Hiệp định có hiệu lực vào năm 2018.

EU với dân số 510 triệu người tiêu dùng, đang là khu vực thị trường xuất khẩu lớn nhất của của Việt Nam, với kim ngạch 2 chiều vượt 41 tỷ USD trong năm 2015, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt gần 31 tỷ USD và nhập khẩu từ EU vào Việt Nam đạt hơn 10 tỷ USD.  
 
Vì thế, EVFTA là một hiệp định thương mại có tầm quan trọng đặc biệt  đối với sự phát triển kinh tế của Việt Nam. Ban Thông tin Liên hiệp tổng hợp và xin giới thiệu cùng bạn đọc một số nét chính, nổi bật của hiệp định quan trọng này.
 
Trước hết, phải nói rằng, đối với doanh nghiệp Việt Nam, EVFTA có một số mặt lợi hơn so với TPP (Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương) như sau:
 
- EU  xóa bỏ trên 85% dòng thuế mà EU đang áp dụng cho hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam ngay sau khi hiệp định có hiệu lực. Trong bảy năm sau khi hiệp định có hiệu lực, có trên 99% dòng thuế sẽ được EU xóa bỏ cho hàng hóa Việt Nam.
 
- Có một số lĩnh vực Việt Nam đồng ý mở cửa cho EU nhưng không mở cửa trong TPP như: Dịch vụ „feeder“ (dịch vụ tàu gom hàng trên biển) và dịch vụ container rỗng dành riêng cho các hãng tàu biển của EU.
 
- Trong mua sắm chính phủ, Việt Nam cũng đưa ra một số cam kết bổ sung nhưng chỉ áp dụng cho nhà thầu EU, không áp dụng cho TPP. Trong TPP, Việt Nam chỉ cam kết mở cửa cho nhà đầu TPP tham gia việc mua sắm của các bộ ngành trung ương, và với các đơn thầu có giá trị từ 40 tỉ đồng trở lên. Còn trong EVFTA, do EU dành cho Việt Nam các cam kết thuận lợi hơn đối với hàng xuất khẩu, nên Việt Nam cam kết mở cửa thêm cho EU đối với lĩnh vực mua sắm chính phủ. Cụ thể, trong EVFTA, bên cạnh các bộ ngành trung ương, Việt Nam cũng cam kết mở cửa cho nhà thầu EU tham gia đấu thầu mua sắm của hai thành phố lớn là Hà Nội ,TP HCM và hai tập đoàn lớn là tập đoàn Điện lực (EVN) và tập đoàn Đường sắt Việt Nam.
 
Về tác động cụ thể của EVFTA đối với các ngành kinh tế của Việt Nam, có thể đưa ra một vài ví dụ như sau:
 
Ngành sản xuất - chế biến gỗ: 
 
EU là thị trường lớn thứ tư của Việt Nam trong tiêu thụ các mặt hàng gỗ sau Hoa Kỳ, Nhật Bản và Trung Quốc. Tính riêng về đồ gỗ, đây là thị trường quan trọng thứ 2 của Việt Nam (sau Hoa Kỳ). Bốn mặt hàng đồ gỗ xuất khẩu quan trọng nhất của Việt Nam vào EU gồm: Đồ gỗ ngoài trời, ghế gỗ, đồ nội thất phòng ngủ và đồ nội thất văn phòng.


Doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu đồ gỗ được hưởng lợi từ EVFTA – Ảnh: baocongthuong 


Đến nay, đồ gỗ Việt Nam xuất khẩu sang khối EU thực chất chỉ tập trung ở một số thị trường, nên kim ngạch còn hạn chế (khoảng 700-800 triệu USD/năm). Trong khi nhu cầu tiêu dùng mặt hàng đồ gỗ của EU lên tới 85 tỷ USD/năm. Như vậy, thị trường còn rất lớn. Các chuyên gia ước tính khi EVFTA  với EU được thực hiện, phối hợp với Hiệp định Thương mại song phương được ký kết giữa EU với quốc gia đối tác xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ (VPA/ FLEGT), thị trường EU sẽ thực sự mở rộng với 28 nước thành viên và kim ngạch thương mại gỗ có thể lên tới hàng tỷ USD mỗi năm một cách bền vững.
 
EU không chỉ quan trọng đối với Việt Nam về thị trường tiêu thụ và sản phẩm, mà còn là một trong những nguồn cung nguyên liệu. Với EVFTA, doanh nghiệp Việt có thể tăng mua gỗ nguyên liệu từ  EU để sản xuất những sản phẩm chất lượng tốt hơn. Điều quan trọng là khi được miễn thuế, doanh nghiệp gỗ Việt sẽ được lợi ít nhất 10%. Doanh nghiệp cũng sẽ không phải mất tiền chi phí  cho việc cấp chứng chỉ về nguồn gốc gỗ. Thêm nữa, máy móc thiết bị ngành gỗ nhập khẩu từ các nước thuộc EU sẽ được giảm giá. Lâu nay, thiết bị chế biến gỗ nhập khẩu từ khối EU có chất lượng tốt nhưng giá cao, lại phải chịu thuế tới 20-30%. Nay nhờ EVFTA, doanh nghiệp Việt có thể mua thiết bị với giá thấp hơn do được miễn thuế, thậm chí còn được trả chậm. Ví dụ: Thiết bị Trung Quốc khoảng 1 triệu USD một dây chuyền sản xuất, 5 năm đã phải thay đổi, nhưng thiết bị của EU là 5 triệu USD, sản xuất ổn định khoảng 30 năm mới phải thay đổi.
 
Một điểm quan trọng nữa đối với DN chế biến xuất khẩu gỗ là nâng cao trình độ quản trị sản xuất kinh doanh của các chủ DN. Khi đối tác mua sản phẩm của mình, họ sẽ đưa chuyên gia vào hướng dẫn kỹ thuật tại chỗ. Vì vậy, các ngành nói chung, ngành gỗ nói riêng sẽ có nhiều lợi ích từ EVFTA.
 
Ngành dệt may:

Dệt may nằm trong nhóm hàng được dự báo và kỳ vọng sẽ hưởng lợi nhiều nhất khi EVFTA chính thức có hiệu lực. EVFTAsẽ giảm mức thuế hiện tại mà EU đang áp dụng đối với mặt hàng may mặc của Việt Nam từ 12% xuống 0%, sẽ thúc đẩy xuất khẩu với mức trung bình trên 20% hàng năm.  Tuy nhiên, Hiệp định đưa ra quy tắc xuất xứ tương đối nghiêm ngặt. Các mặt hàng dệt may của Việt Nam phải đảm bảo quy chế chuyển đổi nguồn gốc „xuất xứ kép“. Cụ thể, để một mặt hàng dệt may Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế quan, thì ít nhất hàng hóa đó phải được sản xuất tại Việt Nam (tiêu chuẩn „xuất xứ đơn“ là vải có thể được nhập khẩu rồi cắt may tại Việt Nam, còn „xuất xứ kép“ là vải phải được sản xuất tại Việt Nam và khâu cắt may cũng tại Việt Nam).


Dệt may là một trong những ngành hàng hưởng lợi nhiều nhất từ EVFTA. Ảnh: wto.center

Những yêu cầu xuất xứ kép liên quan trực tiếp đến điểm yếu của ngành Dệt may Việt Nam. Bởi vì hiện nay có tới gần 75% doanh nghiệp dệt may làm gia công (nghĩa là phải nhập nguyên liệu).

Thế nhưng, điều đáng mừng ở đây là, EU cho phép áp dụng quy chế „cộng dồn nguồn gốc xuất xứ“. Nghĩa là hàng hóa có nguồn gốc từ các nước đối tác với EU cũng được coi là có nguồn gốc xuất xứ để hưởng ưu đãi. Chẳng hạn, trong Hiệp định có nêu rõ việc cho phép Việt Nam sử dụng vải sản xuất tại Nam Hàn (nước đã có Hiệp định thương mại song phương với EU).

Ngành da giầy:

Ngành công nghiệp da giầy Việt Nam có lịch sử phát triển từ lâu đời và là một trong những ngành công nghiệp có lợi thế xuất khẩu, đóng góp đáng kể cho kinh tế đất nước. Theo thống kê của EU, từ năm 1996, Việt Nam đã đứng vị trí thứ 3 trong số các nước xuất khẩu giầy dép nhiều nhất vào EU. Gần đây, Việt Nam đã vươn lên vị trí nhà xuất khẩu lớn thứ hai sau Trung Quốc. Trong hơn 12 tỷ USD giầy dép của Việt Nam xuất khẩu năm 2015 thì riêng xuất khẩu sang EU đạt 4,4 tỷ USD, chiếm hơn 30%. Xuất khẩu của Việt Nam vào EU chủ yếu tập trung ở mặt hàng giầy da chất lượng cao và giầy thể thao với các thương hiệu của Mỹ và EU.


Ngành da giầy có nhiều triển vọng – Ảnh: kinhtevadubao 


Dự kiến, khi EVFTA có hiệu lực cũng là thời điểm Việt Nam kết thúc thời gian được hưởng ưu đãi theo Quy chế hiện có. Theo cam kết, EVFTA hấp dẫn hơn với đa phần các dòng thuế giảm về 0% (trong vòng 7 năm), tạo đà tốt hơn cho xuất khẩu giầy dép vào EU. Một điều đáng nói là, EVFTA cho phép các doanh nghiệp Việt Nam sử dụng nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất, chỉ yêu cầu từ khâu giặt, may, lắp ráp, đóng gói là phải thực hiện tại Việt Nam.

Sản phẩm nông nghiệp:

Gạo và rau quả Việt Nam đều đã có mặt tại thị trường EU nhưng tỷ trọng còn rất khiêm tốn. Khi EVFTA có hiệu lực, những mặt hàng này sẽ được hưởng lợi nhiều.


Xuất khẩu gạo hiện nay: Vừa “ngủ quên”, vừa “nổ” - Ảnh: tienphong  


Với mặt hàng gạo xay xát, gạo chưa xay xát và gạo thơm, EU sẽ áp dụng hạn ngạch thuế quan; mặt hàng gạo tấm xuất khẩu vào EU sẽ được xóa bỏ thuế theo lộ trình; sản phẩm từ gạo hạt cũng sẽ được EU đưa về mức thuế 0% trong vòng 7 năm.

Gạo là mặt hàng nhạy cảm nên nhiều nước áp dụng các biện pháp hạn chế nhập khẩu, thậm chí không mở cửa thị trường. Với EVFTA, EU đã chấp nhận dành cho Việt Nam hạn ngạch tương đương khoảng 80.000 tấn/năm với thuế suất 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực (gấp hơn ba lần mức hiện nay Việt Nam đang xuất sang EU, khoảng 25.000 tấn/năm). Riêng gạo tấm không có hạn ngạch, thuế sẽ giảm về 0% theo lộ trình.

Theo các phân tích, với cam kết này, riêng đối với gạo (trừ gạo tấm) mức giảm thuế của EU giúp doanh nghiệp Việt Nam tiết kiệm được gần 17 triệu euro (khoảng 20 triệu USD) tiền thuế một năm.

Đối với các sản phẩm rau củ quả tươi, rau củ quả chế biến, nước quả của Việt Nam, EU cam kết cơ bản sẽ xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định thương mại tự do có hiệu lực.
 
Các sản phẩm trái cây của Việt Nam đã vào được EU là xoài, dứa, vải, nhãn, chuối, thanh long, bơ, măng cụt, sầu riêng. Tương tự, các loại rau xuất khẩu vào thị trường này gồm khoai môn, cải bắp, dưa leo, cà tím…; các loại rau gia vị như rau mùi, ớt ngọt, húng quế, húng bạc hà, cần tây, đậu bắp, ớt…
 
Tuy nhiên, (vâng, rất tiếc lại phải nói „tuy nhiên“), sản lượng rau quả Việt Nam xuất khẩu sang EU còn rất khiêm tốn và tăng giảm thất thường. Nguyên nhân bởi rau quả tươi xuất sang EU  thường xuyên bị cảnh báo về mức độ an toàn vệ sinh thực phẩm. Thậm chí, có thời điểm EU đưa ra cảnh báo sẽ cấm toàn bộ các mặt hàng rau quả của Việt Nam nếu phát hiện đủ 5 lô hàng không đảm bảo. Cơ quan quản lý Nhà nước Việt Nam đã phải áp dụng phương án tạm dừng xuất khẩu để chấn chỉnh.
 
Thông thường với các thị trường chặt chẽ, khó tính như EU, một quy trình để làm thủ tục, đưa một mặt hàng mới, đặc biệt là rau quả thâm nhập thành công vào thị trường này sẽ mất 5 - 8 năm, hoặc lâu hơn. Như vậy có thể thấy, việc mở và giữ được thị trường cho từng loại rau quả tại thị trường EU là không hề đơn giản. 


Ban mai trên đồi chè – Ảnh: hoinongdan  


Vài ý kiến kết luận
 
Theo ý kiến đánh giá của một số chuyên gia kinh tế và hoạch định chính sách của Việt Nam, EVFTA là hiệp định thế hệ mới, chất lượng cao với mức độ tự do hóa rất sâu rộng, kể cả về thương mại và dịch vụ. Nhìn từ phương diện hiệp định chất lượng cao, EVFTA có những điểm cao hơn cả Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), như đã nêu ở phần trên.Tác động lớn nhất của EVFTA , theo Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý  kinh tế  Trung ương, ông Võ Trí Thành, là “cú hích thúc đẩy cải cách thể chế của Việt Nam liên quan đến nhiều điều khoản phía sau đường biên giới“.
 
Còn theo ông Jean Jacques Bouflet, nguyên Tham tán Thương mại Phái đoàn EU tại Việt Nam, bên cạnh việc đem lại lợi ích cho Việt Nam từ việc loại bỏ thuế quan khi Hiệp định có hiệu lực và tiếp cận thị trường cạnh tranh trong lĩnh vực dịch vụ, EVFTA còn tác động lên các luồng vốn đầu tư vào Việt Nam. Việc cắt giảm thuế  xuất  khẩu sẽ tạo động lực chuyển luồng đầu tư vào Việt Nam để hướng tới  xuất khẩu sản phẩm cuối cùng sang EU. Điều này sẽ có tác động trực tiếp đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhất là những người sản xuất sản phẩm trung gian và các thành phần trong sản phẩm cuối cùng được xuất khẩu.
 
Trên thực tế, EU là thị trường mang tính bổ sung cho Việt Nam. Hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang EU chủ yếu là hàng dệt may, giày dép, đồ gỗ, sản phẩm nông nghiệp, còn ở chiều ngược lại, Việt Nam có cơ hội nhập khẩu công nghệ nguồn từ EU để điều chỉnh quan hệ thương mại với các nước trên thế giới theo hướng giảm bớt sự phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc.
 
Tuy nhiên, vấn đề hàng rào kỹ thuật, hàng rào vệ sinh an toàn thực phẩm của EU rất chặt chẽ, EU đề cao tiêu chuẩn hàng hóa liên quan đến sức khỏe đời sống của con người. Những yêu cầu về vệ sinh, kiểm dịch; đóng gói, bao bì; khả năng truy soát nguồn gốc và thủ tục hải quan nghiêm ngặt, các tiêu chuẩn do EU áp đặt thường nằm trong số các tiêu chuẩn cao nhất trên thế giới và khó đạt được nhất với chi phí cao nhất là thách thức đối với các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
 
Vì thế, trong giai đoạn hiên tại và cho đến 2018 (khi EVFTA đã được phê chuẩn), việc thực hiện từng bước đi chắc chắn là nền tảng cần thiết cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Đặc biệt,không thể và không nên nóng vội trong việc xuất khẩu vào EU; cần hết sức thận trọng với những mục tiêu chủ quan, thiếu cơ sở  thực tế và chuyên môn mà chỉ  đơn giản là để „thể hiện“ và hô hào.
 
Bạn đọc có thể tham khảo toàn văn Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên hiệp châu Âu và Việt Nam - EVFTA (tiếng Việt và tiếng Anh) tại các tài liệu [1], [2] được liệt kê ở cuối bài./.
 
Tài liệu tham khảo:
 
[1]  http://www.trungtamwto.vn/chuyen-de/vefta
 
[2]  http://trade.ec.europa.eu/doclib/press/index.cfm?id=1437
 
[3]  http://portal.moit.gov.vn/fta/default.aspx?page=news&do=detail&category_id=31&id=483
 
[4]  http://ec.europa.eu/trade/policy/countries-and-regions/countries/vietnam/
 
[5]  http://baocongthuong.com.vn/fta-voi-eu-tu-chuyen-cua-gao-va-rau-qua.html
 
[6]  http://abavn.com/news/index.php?option=com_content&view=article&id=1927:bai-2-fta-viet-nam-eu-det-may-giay-dep-se-co-loi-the&catid=26&Itemid=121
 
[7]  http://www.trungtamwto.vn/vn-eu-fta/evfta-giup-nganh-da-giay-viet-nam-vung-chan-tai-thi-truong-eu
 
[8]  http://www.trungtamwto.vn/vn-eu-fta/xuat-khau-sang-lien-minh-chau-au-sau-evfta-tang-toc-manh-neu-chuan-bi-tot
 
Bài: BTT LH (tổng hợp)
Ảnh: Internet

Go to top