Người Philippines tuần hành ngay trước thời điểm PCA công bố phán quyết - Ảnh: Rappler (Philippines)

(bvd-vn.de) Theo các nguồn tin Quốc tế, sáng nay (giờ địa phương), 12.7.2016, Tòa quốc tế PCA vừa ra phán quyết tuyên bố Philippines thắng kiện Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Nội dung chính của phán quyết bao gồm các điểm như sau:

1. Bác bỏ yêu sách chủ quyền và đường chín đoạn (còn gọi là đường chữ U, „đường lưỡi bò“) của Trung Quốc trên Biển Đông và tuyên bố Trung Quốc không có “quyền lịch sử” với các vùng biển ở Biển Đông.
 
2.  Các thực thể nổi (khi thủy triều lên) ở quần đảo Trường Sa là những “bãi đá” hợp pháp, do đó nó không có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý (EEZ).
 
3. Trung Quốc đã vi phạm nghĩa vụ ngăn chặn các va chạm ở biển và các vấn đề liên quan đến an toàn hàng hải.

4. Trung Quốc đã vi phạm quyền chủ quyền của Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Phillippines thông qua việc:

a) Can thiệp vào hoạt động đánh cá và khai thác dầu khí của Philippines.

b) Xây dựng các đảo nhân tạo.

c) Không ngăn được các ngư dân Trung Quốc đánh cá trong vùng EEZ của Philippines.


Năm thành viên của Toà trọng tài quốc tế - Ảnh: TTO

Việc tòa PCA bác bỏ giá trị pháp lý của “đường lưỡi bò” sẽ tạo ra tác động tích cực chung cho các quốc gia ven Biển Đông (trong đó có Việt Nam), buộc các yêu sách của Trung Quốc về các vùng biển phải phù hợp với quy định của UNCLOS. Về mặt pháp lý, bản chất vụ kiện của Philippines và Trung Quốc không phải là vụ kiện về các vấn đề chủ quyền. Vì vậy, bất kỳ bên nào giành lợi thế sau phán quyết, vấn đề tranh chấp chủ quyền đối với Trường Sa vẫn chưa được giải quyết.
 
Bản chất của vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc nhằm thu hẹp các vùng biển tranh chấp qua 4 lập luận pháp lý chủ yếu:

a) Bác bỏ giá trị pháp lý của yêu sách lịch sử của Trung Quốc từ “đường lưỡi bò”.

b) Thu hẹp vùng biển tranh chấp về phạm vi 12 hải lý của các thực thể là đảo đá tại Trường Sa.

c) Quy thuộc các bãi nửa nổi nửa chìm nằm ngoài 12 hải lý của các đảo về vùng EEZ và thềm lục địa của quốc gia ven biển.

d) Từ đó, xác định các hành vi hiện thực hoá “đường lưỡi bò” của Trung Quốc tại Biển Đông là các hành vi vi phạm luật quốc tế.

Bài: BTT LH (tổng hợp)
Ảnh: Internet
 

Go to top