Máy bay Trung Quốc đáp trái phép xuống Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam


(bvd-vn.de) Chưa đầy 10 ngày mở đầu cho năm 2016, phía Trung Quốc đã liên tiếp có những hành vi xâm phạm thô bạo hải phận và không phận của Việt Nam. Đặc biệt nghiêm trọng là việc Trung Quốc đã liên tiếp đưa gần 50 chuyến máy bay dân sự, có cả máy bay cỡ lớn hạ cánh xuống sân bay mà Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Tiến hành có hệ thống những hành vi đe dọa tính mạng của ngư dân miền Trung đang bánh bắt cá trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Đây là những hành động xâm phạm một cách nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, đe dọa hòa bình, ổn định trong khu vực; đe dọa an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.

Đồng hành cùng dân tộc trong sự nghiệp bảo vệ sự toàn vẹn thiêng liêng của Tổ quốc, Ban Thông tin – Báo chí Liên hiệp người Việt toàn Liên bang Đức cực lực phản đối những hành động của nhà cầm quyền Trung Quốc đã gây ra những bất ổn trong khu vực; đe dọa an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không của Việt Nam. Đồng thời, chúng tôi yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, tôn trọng luật pháp quốc tế, tuân thủ công ước Liên hiệp Quốc về luật biển (UNCLOS) năm 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002.
 
Sau đây là tổng hợp những thông tin quan trọng xoay quanh chủ đề đang được nhân dân cả nước và cộng đồng Quốc tế quan tâm. Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật diễn biến tình hình.


Theo tin Việt Nam và quốc tế,  vào lúc 14 giờ ngày 09.01.2016 (giờ VN), tàu cá của ngư dân tỉnh Bình Định số hiệu BĐ 95207TS, đã bị tàu vận tải nước ngoài (chưa rõ số hiệu) đâm chìm rồi bỏ chạy tại vùng biển có tọa độ 160 33’N – 1130 44’E, cách Đông Nam đảo Linh Côn thuộc Quần đảo Hoàng Sa khoảng 60 hải lý.

Được biết  trên tàu BĐ 95207TS có 8 thuyền viên, tất cả đã may mắn được tàu cá BĐ 96667 TS cũng của Bình Định cứu thoát.
 
Còn nhớ, mới đây, ngày 01.01.2016, tàu cá QNg 98459 của ông Huỳnh Văn Thạch tại Đức Phổ, Quảng Ngãi cũng đã bị một „tàu cá vỏ thép có ghi chữ Trung Quốc"  đâm chìm.

Tàu cá của ngư dân bị tàu Trung Quốc đâm thủng 


Từ ngày 02.01.2016, Trung Quốc đã liên tiếp đưa gần 50 chuyến máy bay dân sự, có cả máy bay cỡ lớn  hạ cánh xuống sân bay mà Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đây là hành động xâm phạm một cách nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, đe dọa hòa bình, ổn định trong khu vực; đe dọa an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
 
Mỹ và Nhật Bản đã bày tỏ lo ngại về động thái mới nhất của Bắc Kinh. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby ngày 4/1 nói rằng việc Trung Quốc bay thử nghiệm mới đây trên một trong 7 đảo nhân tạo mà nước này xây dựng phi pháp ở Biển Đông đã làm gia tăng căng thẳng và đe dọa sự ổn định của khu vực.
 
Liên tiếp từ ngày 01-08/01/2016, một số máy bay Trung Quốc đã tiến hành những hoạt động bay vi phạm các quy định và quy tắc của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) liên quan đến hoạt động bay trong vùng trời có kiểm soát trong Vùng thông báo bay Hồ Chí Minh mà ICAO giao cho Việt Nam quản lý.
 
Dữ liệu lưu trữ radar của Trung tâm kiểm soát đường dài Hồ Chí Minh cho thấy, các tàu bay của Trung Quốc đã bay cắt ngang các đường hàng không L625, N892 (có mực bay được quy định từ FL135 đến FL460, tức là mực bay từ độ cao khoảng 4.000 m, đến độ cao khoảng 13.800 m), M771 (có mực bay được quy định từ FL250 đến FL460, tức là mực bay từ độ cao khoảng 7.500 m đến độ cao khoảng 13.800m); đã bay từ mực bay FL180 đến FL265 (tức là mực bay từ độ cao khoảng 5.400 m đến độ cao khoảng 8.000 m, có trường hợp đã bay lên đến độ cao 10.000m), cao hơn mực bay tối thiểu của các đường hàng không nêu trên. Các tàu bay nêu trên của Trung Quốc đã không nộp kế hoạch bay cho cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu liên quan của Việt Nam và cũng không thiết lập liên lạc thoại với Trung tâm kiểm soát đường dài Hồ Chí Minh.
 
Ngày 06 và ngày 08.01.16, Cục Hàng không Việt Nam đã có thư gửi Văn phòng đại diện khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của ICAO tại Băng Cốc, đề nghị ICAO với tư cách là tổ chức hàng không quốc tế chịu trách nhiệm điều phối chung phải có biện pháp, giải pháp để các quốc gia không thực hiện những hoạt động bay uy hiếp an toàn đến hoạt động hàng không quốc tế.

Ngày  08.01.2016, Cục Hàng không Việt Nam đã gửi thư đến Cục Hàng không dân dụng Trung Quốc (CAAC), nhắc lại Công hàm chính thức của Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phản đối Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với Quần đảo Trường Sa.

Đồng thời Cục Hàng không Việt Nam phản đối mạnh mẽ hoạt động bay của các tàu bay Trung Quốc đe doạ đến an ninh, an toàn; tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay, không có thêm các hành động vi phạm chủ quyền của Việt Nam, và không lặp lại hành động tương tự, tôn trọng các quy định liên quan của luật pháp quốc tế.
 
Trong cùng ngày,  cùng với thư thông báo đã được gửi đến Tổ chức vận tải hàng không quốc tế (ICAO), Cục Hàng không Việt Nam đã gửi thư thông báo đến Nhà chức trách hàng không của các quốc gia thành viên ICAO, Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA), Liên đoàn quốc tế các hiệp hội người lái tàu bay (IFALPA), Tổ chức các Nhà cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay quốc tế (CANSO), Liên đoàn quốc tế các hiệp hội kiểm soát viên không lưu (IFATCA), Hiệp hội các Nhà khai thác hàng không tại Việt Nam (AOC), hơn 100 hãng hàng không quốc tế có các chuyến bay thường lệ trong Vùng thông báo bay Hồ Chí Minh, đề nghị phối hợp phản đối hoạt động bay của tàu bay Trung Quốc đã uy hiếp an toàn hàng không.

Theo thông tin của Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng TP Đà Nẵng đưa ra hôm 08.01.2016, trong năm 2015, Trung Quốc tiếp tục thể hiện sự bành trướng của mình trên biển Đông qua những hành động như: Ra quyết định thiết lập 4 “Ban vũ trang nhân dân” ở Hoàng Sa; đẩy mạnh hoạt động cải tạo, xây dựng các công trình quân sự trên các đảo chiếm đóng trái phép tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, mưu đồ thiết lập vùng nhận dạng phòng không. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng thường xuyên duy trì các loại tàu quân sự, tàu chấp pháp, máy bay tuần tra xua đuổi, bắt giữ tàu cá, cản trở các hoạt động cứu hộ cứu nạn, hoạt động thăm dò khí trên vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Tàu Trung Quốc thường xuyên xâm phạm chủ quyền đánh bắt hải sản với số lượng lớn kèm theo đó là các tàu trinh sát giả dạng tàu cá vào sâu trong lãnh hải trinh sát, nắm tình hình.

Trong năm 2015 đã có 264 lượt tàu Trung Quốc xâm phạm chủ quyền vùng biển của Việt Nam. Trong đó có 207 lượt tàu cá xâm phạm chủ quyền đánh bắt hải sản ở khu vực Đông Bắc Sơn Trà 45 đến 50 hải lý, 1 tàu cá Trung Quốc vào sâu trong vùng nội thủy Việt Nam, 56 lượt tàu chấp pháp của Trung Quốc hoạt động trinh sát tại các lô dầu khí 116, 144, 145 thuộc chủ quyền vùng biển của Việt Nam, 4 trường hợp tàu quân sự, tàu chấp pháp xua đuổi tàu cá Đà Nẵng, Quảng Ngãi khi hoạt động khai thác hải sản tại khu vực Hoàng Sa.

Tin: BTT LH (tổng hợp)
Ảnh: Internet

 


Hình ảnh xúc động tiễn người thân ra làm nhiệm vụ tạiTrường Sa
 

Go to top