Thành Nhà Hồ xứ Thanh.


(bvd-vn.de) Đó không phải là lời hăm dọa theo kiểu phổ biến đời nay giữa các „đại ca“, „đại gia“, „đại quan“. Đó là câu ca dao  dân gian Việt Nam đã lưu truyền hơn sáu trăm năm nay, và hẳn sẽ còn lưu truyền mãi mãi.

Câu ca dao đó xuất hiện từ triều đại nhà Hồ (1400-1407) .
 
Năm 1397, Hồ Quý Ly, tể tướng dưới triều đại nhà Trần, đã cho xây dựng khu thành đá tại huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa bây giờ. Thành đá này về sau  được gọi là Thành Nhà Hồ.
 
Năm 1398, thành xây xong, Hồ Quý Ly ép Vua Trần Thuận Tông rời đô từ kinh thành Thăng Long về Thanh Hóa. Tháng 2 năm Canh Thìn (1400),  Hồ Quý Ly truất ngôi của Trần Thiếu Đế,  lên ngôi vua  và đặt tên nước là Đại Ngu. Thành Nhà Hồ chính thức trở thành kinh đô. Thành Nhà Hồ trong lịch sử còn có các tên gọi khác là Thành An Tôn, Tây Đô, Tây Kinh, Tây Nhai, Tây Giai.

Thành Nhà Hồ được coi là tòa thành đá duy nhất còn lại ở Đông Nam Á, là một trong rất ít còn lại trên thế giới và đã được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản văn hóa vật thể của nhân loại.
 
Ngôi thành đá kiên cố, hơn 600 năm xem ra vẫn còn chắc vững lắm. Thế mà cái thời đại đẻ ra ngôi thành đó, tức nhà Hồ, lại sụp đổ nhanh chóng đến bất ngờ.
 
Theo nhà văn, nhà Sử học Hoàng Quốc Hải, (tác giả của hai bộ tiểu thuyết lịch sử về thời đại nhà Lý và nhà Trần, cũng là người am hiểu sâu sắc lịch sử thời kỳ Lý-Trần-Lê, trong đó có giai đoạn nhà Hồ nắm quyền), Hồ Quý Ly là người điêu trá và tàn bạo. Vốn liếng chính trị ông gây dựng trên cái nền của lòng dân chán ghét, nội bộ chia lìa, tất cả những yếu tố khiến cho sức mạnh quốc gia dần đi vào thế bại liệt. Và cái thế nước lụi tàn ấy, làm sao mà che bịt được những đôi mắt gian giảo của bầy ác thú phương Bắc.
 
Triều đại nhà Hồ đã tiến hành những cuộc tàn sát khủng khiếp đối với những người chống đối.Thậm chí, chỉ có ý nghĩ không tùng phục mà có kẻ tố giác, cũng bị rơi đầu. Quân lính luôn luôn hành quân đàn áp nhân dân nổi dậy từ khắp mọi nơi, cả nước tràn ngập không khí tang tóc và tù ngục. Lòng dân oán hận triều đình đến cùng cực, chia rẽ đến tột cùng, đói khổ đến tột cùng.
 
Để cho đất nước rơi vào thảm cảnh đó, cũng có nghĩa tự mình tạo điều kiện tốt nhất cho giặc ngoài vào xâm lấn, và cũng có khác chi tự mình đem nước dâng cho giặc.
 
Đúng vào thời điểm bi đát nhất của nước mình, thì nhà Minh đem 40 vạn quân vào xâm lược nước ta. Chỉ vài trận ra quân, giặc Minh đã đánh sập triều đình nhà Hồ. Và chỉ năm, sáu tháng sau, từ khi quân Minh vào cõi, cả ba cha con Hồ Quý Ly, Hồ Hán Thương, Hồ Nguyên Trừng đều bị giặc Minh bắt đem về Kim Lăng.
 
Nhà Hồ sụp đổ nhanh chóng như vậy, chỉ có một nguyên nhân duy nhất có thể cắt nghĩa là bởi họ khinh dân, họ chống lại nguyện vọng chân chính của toàn dân, và vì thế cả dân tộc không hợp tác với họ, khiến họ bị diệt vong.
 
Có một giai thoại nổi tiếng, khi Hồ Quý Ly nói với con trai Hồ Nguyên Trừng: “Ta ước sao có được một trăm vạn quân để chống lại quân Minh”. Trừng đáp: “Thưa cha, quân không sợ thiếu, chỉ sợ lòng dân không theo”.
 
Vậy là bài học muôn thuở, vẫn là BÀI HỌC LÒNG DÂN.
 
Ngày nay về Vĩnh Lộc, xứ Thanh, ta còn nghe được vô vàn các câu chuyện đau lòng trong quá trình xây thành đá. Và nhân dân căm phẫn Hồ Quý Ly tới mức khắp tỉnh Thanh Hóa không hề có một am, miếu nào thờ ông. Ngay chân thành, dân dựng ngôi đền thờ người đốc công bị Hồ Quý Ly chém đầu với tội dạnh: chậm tiến độ.
 
Ngay cả nơi vị tướng trẻ Trần Khát Chân bị nhà Hồ giết ở núi Đôn, dân lập tới hai ngôi đền để thờ ông. Cả tỉnh Thanh Hóa có hơn 70 đền thờ Trần Khát Chân. Chỉ riêng điều đó đủ biết nhân dân đánh giá Hồ Quý Ly có công hay có tội. Vì vậy trong dân gian vùng Thanh - Nghệ mỗi khi bình phẩm một nhân vật lịch sử nào, họ thường đọc câu ca dao quen thuộc:
 
Thương dân dân lập đền thờ
Hại dân dân đái ngập mồ thối xương.
 
Có ông quan thời nay hình như cũng cảm thấy „ơn ớn“, nhưng là quan, có đâu nghe dân dễ thế, nên chi, vị ấy phán: dân thì muôn người vạn ý, biết đâu mà chiều.
 
Và có lão Dân cả cười, có cách biết đấy, Quốc gia ta có cả một bộ „Luật trưng cầu ý dân“ hẳn hoi đấy! 
 

>> Luật trưng cầu ý dân
 
Tin: BTT LH  (tổng hợp)
Hình: Internet

 


Bộ tiểu thuyết lịch sử đồ sộ „Bão táp triều Trần“ của nhà văn Hoàng Quốc Hải

 

Go to top