Cho đến năm 1992, đây là căn hầm chỉ huy của Tiểu bang Bayern trong trường hợp bị tấn công bằng vũ khí nguyên tử – Ảnh: DPA
 

(bvd-vn.de) Tờ báo lớn của Đức „Frankfurter Allgemeine Sonntagszeitung (FAS)“ ngày 21.8 vừa qua đã đăng trong mục „F.A.S.exklusiv“ bài của nhà báo Thomas Gutschker với tiêu đề „So will die Bundesregierung im Kriegsfall reagieren – Ứng xử của Chính phủ Liên bang trong tình trạng có chiến tranh“. 

„Phải làm gì nếu ngày mai chiến tranh xảy ra?“ đó là đề tài mà Chính phủ đề cập trong cuộc họp Nội các hôm 17.08, nhằm „hâm nóng“ ý thức của người dân, sẵn sàng ứng xử trong trường hợp xấu. Một số giải pháp cổ điển đã được nhắc đến, trong đó có nêu, người  dân cần dự trữ thực phẩm cho nhu cầu riêng của gia đình mình trong vòng 10 ngày; đồ uống đủ cho 5 ngày theo tiêu chuẩn 2 lit nước mỗi người trong một ngày; năng lượng, dụng cụ cứu thương, thuốc men; thiết bị báo động...
 
Thực ra, phương án ứng xử nói trên đã được Quốc hội (Bundestag) xây dựng từ 2012. Trong đó có nêu rõ: Một cuộc tấn công thông thường vào lãnh thổ Đức là khó xảy ra. Tuy nhiên, cần phải có các biện pháp chuẩn bị cần thiết cho tình huống nguy hiểm mà về nguyên tắc không thể loại bỏ hoàn toàn .
Ngoài ra, tài liệu nói trên cũng đề cập đến các biện pháp tự vệ, sơ tán… của các cơ quan Nhà nước trong tình huống cần thiết.
 
Xét thấy cho đến nay, các biện pháp ứng xử trong tình trạng có chiến sự không được chú trọng đầy đủ, nên đề tài này cũng sẽ được nêu ra trong Hội đồng an ninh Liên bang.
 
Tin: BTT LH
Ảnh: Internet

Go to top