Paris ngày 11.1.2015: Tuần hành tưởng nhớ nạn nhân khủng bố (ảnh Internet)


Mặc dù khái niệm „Khủng bố“ đã xuất hiện từ thế kỷ thứ 18, nhưng nó thực sự xảy ra dồn dập và làm thế giới đảo điên mới gần hai chục năm nay.

Khủng bố là hành động của một người hay một nhóm người dùng bạo lực, chẳng hạn đánh bom hay giết người nhằm gây sợ hãi và gieo nỗi kinh hoàng trong dân chúng để họ đạt mục đích đặt ra. Những kẻ khủng bố muốn chứng minh cho dân chúng thấy, dù nhà nước có thực hiện những biện pháp như thế nào chăng nữa, họ vẫn còn rất nhiều khe hở để bị tấn công. Người ta sợ, vì qua những vụ khủng bố, rất nhiều người vô tội phải chết theo.

Có thể tạm chia làm hai loại khủng bố: Khủng bố của các nhóm chính trị cực đoan và của các nhóm cuồng tín về tôn giáo, trong đó các nhóm cuồng tín tôn giáo hoành hành dữ dội những năm gần đây. Mục đích của loại khủng bố này là bảo vệ tuyệt đối cái mà họ cho là chúa đã phán quyết, muốn bảo vệ tín ngưỡng của họ và chống triệt để những tín ngưỡng khác hoặc họ muốn truyền bá tín ngưỡng của mình một cách cưỡng bách. Những tổ chức khủng bố khét tiếng thời gian gần đây có thể kể đến là phong trào Hamas của Palestin, Hisbollah của Libanon, mạng lưới Al – Qaida, IS – Nhà nước hồi giáo.

Đợt khủng bố ở Paris vài hôm trước đây đã làm thay đổi rất nhiều bức tranh chính trị ở châu Âu. Người châu Âu dao động giữa bàng hoàng, sợ và phẫn nộ, gói trộn trong cảm thông và lo lắng. Gần như toàn bộ dân châu Âu đứng về phía các nạn nhân, coi như chính họ bị nạn. Người châu Âu coi đây là dịp để thể hiện sự quyện tụ, quyết tâm bảo vệ giá trị của họ bằng mọi giá, để nói  rằng trái tim của họ không phải là gỗ đá. Trong đau thương vô tận đó, họ vẫn còn thể hiện đạo lý văn minh cao cấp là không kích động trả thù, không thù hận dưới mọi hình thức. Đó là một điểm son. Nhân dân toàn thế giới qua đó so sánh được hai thái độ thật rõ ràng: Dã man và độ lượng.

Đây cũng là một cơ hội rất quý để những người có trách nhiệm kêu gọi sự quyện tụ, bảo vệ những người Hồi giáo vô tội khác, không có tư tưởng phân chia thiện ác trong xã hội để chiến đấu với nhau. Cái đau nhất của họ là giá trị tự do ngôn luận, một giá trị nền tảng bị tấn công, tức là xã hội mở bị kẻ thù của nó tấn công trực tiếp. Họ nắm tay nhau thề không để những kẻ khủng bố bắt nạt. Tư pháp châu Âu có dịp thể hiện tính pháp quyền của xã hội, tránh mọi hình thức tự xử, hay luật của kẻ mạnh. Những người Hồi giáo lương thiện ở châu Âu rất lo cho tương lai của họ, ít nhất là trong khi tìm việc làm, bị định kiến vì quá nhiều vụ khủng bố đều có nguyên do từ những người theo tín ngưỡng Hồi giáo của họ.

Dù nắm tay nhau quyết tâm, nhưng chắc chắn vẫn còn sự lo âu. Bóng ma khủng bố lúc nào cũng bao trùm các nước Âu – Mỹ, phải nghiến răng chấp nhận ít tự do hơn trước, chấp nhận sự kiểm soát của công an nhiều hơn. Thế là một châu Âu bình yên xưa kia không còn nữa!

Sự lúng túng của xã hội mở bị các đảng thiên hữu tận dụng triệt để. Khẩu hiệu về ổn định xã hội, quyền lợi quốc gia, giá trị văn hóa… được dâng lên đúng lúc và họ đã thu được những thắng lợi đáng kể (đảng mang màu sắc dân tộc xuất hiện ở rất nhiều nước châu Âu như Đức, Pháp, Hà Lan, Áo…). Chính sách nhập cư của chính phủ là đề tài nóng bỏng trên chính trường. Hít thở không khí của tự do người ta như được tắm mình trong thiên nhiên đẹp, thơ mộng nhưng hoang dại và luôn ẩn náu những nguy cơ. Nếu quá thận trọng, châu Âu sẽ khác đi, tự do một phần bị hạn chế, cảm hứng một phần bị hạn chế và qua đó sáng tạo một phần bị hạn chế. Đó chính là điều các tổ chức cực đoan hồi giáo mong muốn. Chọn điểm nào giữa tự do và cảnh giác luôn là đề tài tranh cãi nảy lửa giữa các đảng phái chính trị. Cái điểm vô hình đó không đứng yên mà luôn dao động tùy theo thời cuộc. Đó là một trong những lý do, tại sao chính trường châu Âu luôn sôi sục và đòi hỏi ở những người tranh luận không những có kiến thức khách quan uyên bác mà còn phải có tính nhạy cảm thời cuộc, tính độ lượng, tầm nhìn giải thoát…

Các tổ chức khủng bố thường thu hút những người bất bình với xã hội, cuồng tín coi cái chết là một bộ phận của cuộc sống, họ không hiểu và không quý tính chất của xã hội mở. Một chuyên gia về các tổ chức cực hữu hồi giáo, ông Lüders thì cho rằng, sự phát triển dân số ở các nước hồi giáo quá nhanh so với sự phát triển kinh tế và khoa học kỹ thuật. Điều đó dẫn đến đói nghèo, kéo theo hàng loạt những vấn đề khác, trong đó có chủ nghĩa khủng bố. Dòng người tị nạn kéo sang các nước Tây Âu ngày càng đông, nhưng không phải ai cũng cố gắng hội nhập vào đất nước sở tại. Khủng bố ở Paris tuần qua là hồi chuông cảnh tỉnh để tất cả cùng suy ngẫm cho một vấn đề mang tính toàn cầu: Chủ nghĩa khủng bố trong thời đại mới chúng ta đang sống.

Bài: Nguyễn Thế Tuyền (Berlin)

Go to top