Đại diện các hội đoàn, các ca sĩ, nghệ sĩ chụp lưu niệm sau lễ Giỗ Tổ Hùng Vương.
(LH người Việt có 2 đại diện tại lễ hội)


(bvd-vn.de)  Lễ hội giỗ Tổ Hùng Vương tại TP Regensburg khép lại trong lưu luyến của bao con người, mà chỉ một ngày trước đó vẫn chưa hề quen nhau. Họ cùng vai kề vai bên bàn thờ Quốc Tổ, thành kính dâng hương trước anh linh các vua Hùng, để thẩm thấu cái nghĩa trọn vẹn của 2 tiếng “đồng bào” nơi viễn xứ. Ban Thông tin LH xin giới thiệu cùng bà con và bạn đọc những dòng tâm sự sâu lắng đáng SUY NGẪM của một người đồng hương qua bài viết dưới đây. 

Chủ Nhật ngày 16/4, thời gian này cả nước Đức đang nghỉ Lễ Phục Sinh, Tôi đến Trường Võ Lâm tại TP Regensburg tham dự Chương Trình Giỗ Tổ Hùng Vương, như khách lãng du trở về cố quận, hòa nhập vào dòng người đông đảo, cùng thắp hương cúi đầu trước bàn thờ tổ tiên, tưởng nhớ công ơn xây dựng đất nước của tiền nhân. Như lời trân trọng giới thiệu trong thư mời của Ban Tổ Chức:“Giỗ Tổ Hùng Vương là Quốc Lễ của dân tộc Việt Nam, đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa của nhân loại,” không khí trang nghiêm nhưng ấm cúng của lễ hội, đã giúp tôi và mọi người cảm nhận: Nước non vẫn nước non nhà, dù Trung-Nam-Bắc cũng là anh em. Quê hương trở giấc buông rèm, ngàn năm thống hận còn xem chữ tình. Ra đi nửa bước phiêu linh, con đường có khác viễn trình cũng ta. Nước non ngàn dặm xa nhà, bão giông biển động giang hà nhớ xưa. Nửa đêm tỉnh mộng cũng vừa, non sông chuếnh choáng rượu thừa nhạt môi. Sương buồn mờ trắng bên đồi, sân ga lẻ bóng xa rồi cố hương…Thế có nghĩa là, cho dẫu anh bỏ gia đình ra đi chỉ vì miếng cơm manh áo. Cho dẫu chị rời quê hương ra đi, cũng chỉ vì muốn thoát khỏi kiếp lầm than. Hay tôi là người tỵ nạn, phải ra đi vì bị lưu đày ngay giữa quê hương của chúng ta. Phải chăng tôi và chúng ta - cho dẫu ra đi vì bất cứ lý do gì - vẫn là người Lạc Việt, vẫn có chung nguồn cội, vẫn có chung lịch sử bắt nguồn từ truyền thuyết một mẹ trăm con, vẫn biết rằng: Hùng Vương là người thành lập nước Văn Lang. Và tiếng Sông Thao, Sông Đà, Sông Lô, ngàn năm còn âm vang hào khí của dòng giống Tiên Rồng. 

Chủ lễ-Võ sư Lê Trương Mịnh (thứ nhất từ phải) cùng 2 MC chương trình: Edith Lenk và Trần Thanh Phong.

Những nghi thức có trong Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, từ diễn văn khai mạc giới thiệu quan khách, từ sự có mặt của những bằng hữu người Đức như bà Luise Gutmann - đại diện “Hội hữu nghị giữa các dân tộc CHLB Đức và CHXHCN Việt Nam” (Gesellschaft für die Freundschaft zwischen den Völkern der Bundesrepublik Deutschland und der Sozialistischen Republik Vietnam e.V.); từ chương trình văn nghệ phong phú do người Việt ở Đức thực hiện; từ sự đóng góp của các văn nghệ sĩ trở về từ nơi xa hàng trăm cây số, hay như chương trình hợp xướng ca khúc “Việt Nam Quê Hương Tôi,” của các bạn võ sinh người Đức Trường Võ Lâm…Tất cả ngần ấy sự kiện chỉ để nói lên tình hợp nhất nghĩa đồng bào, của những người Việt xa quê hương. Phải chăng mọi người đến tham dự chương trình Giỗ Tổ Hùng Vương, đều cảm thấy trong lòng vô cùng thư thái bình an, khi chào nhau thân ái bằng tiếng mẹ đẻ, bằng ngôn ngữ tiếng Việt. Tự nhiên tôi nhớ một đoạn văn ngày xưa đã học, trong tác phẩm “Tâm Hồn Cao Thượng” [1] của Thầy Giáo Hà Mai Anh:

“…Bây giờ con còn bé, con chưa hiểu thấu được thế nào là lòng yêu nước. Rồi ra con sẽ biết. Khi con du lịch ở xa về, một buổi sáng, đứng dựa bao lơn tàu, con thấy ở chân trời một dãy núi xanh của xứ con hiện ra, bấy giờ con sẽ thấy dòng lệ cảm ở lòng con dâng lên, và miệng con vuột ra những tiếng kêu mừng rỡ… Con sẽ cảm thấy tình yêu nước khi con ở nước ngoài, chợt nghe thấy một người trong đám thợ thuyền nói tiếng nước con, theo lòng con xui giục, tự nhiên con đến hỏi chuyện người thợ không quen ấy.” [2]
 
Lời chân thành, mộc mạc diễn tả lòng yêu nước trong “Tâm Hồn Cao Thượng” của Thầy Giáo Hà Mai Anh, phải chăng chính thật là tâm tình của anh, tâm tình của chị, tâm tình của tôi bây giờ? Chúng ta xuất thân từ những cảnh đời không đồng nhất, bỏ quê hương ra đi cũng vì những lý do rất khác nhau. Nhưng khi cùng đến tham dự Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, tôi và chúng ta đều cảm nhận: Nước non ngàn dặm lên đàng, về qua nguồn cội ngỡ ngàng tịch liêu. Điệu buồn phiên khúc phiêu diêu, ngùi trông cố quận đàn xiêu tiếng đồng. Ta về hát giữa hư không, huyền cung luân hoán tơ hồng nhớ xưa.

Mỗi một biến động xảy ra trong từng trang sử của đất nước, luôn dư đầy cay đắng xót xa. Mỗi một phận người bị cuốn theo vòng xoáy kinh hoàng ấy, cũng thăng trầm hoạn nạn y như vậy. Chỉ những ai ở trong cuộc mới cảm nghiệm rõ rệt sự khó khăn, hay nỗi đau khổ của chính họ. Giông bão giữa đại dương không chừa một chiếc thuyền nào. Định mệnh tàn khốc của cuộc đời, cũng không buông tha số phận của bất cứ ai. Bên trong những thành tựu mà tôi hay người nào đó gặt hái được, phải chăng luôn ẩn giấu một mặt trái hụt hẫng, chới với, bi quan. Bởi vì hạnh phúc luôn mỏng ròn, mong manh, dễ vỡ. Hay nói cho đúng thì hạnh phúc mà người ta nếm trải, luôn có vị mặn của mồ hôi và nước mắt, vị chát của thất vọng và buồn phiền. Phải chăng khi nhìn vào bổn nguyên thường trụ, khi nhìn vào đáy sâu nội ngã của bản thân, chúng ta và tôi đều có chung một nỗi đau đớn? Phải chăng cũng chính vì cùng cảm nhận như vậy, ở giữa đất khách quê người, tình cờ gặp nhau trong Lễ Hội Giỗ Tổ Hùng Vương, chúng ta đã có thể hòa nhập vào khí thiêng sông núi trước bàn thờ tổ tiên, trước cung đàn giọng hát đầy làn điệu quan họ Kinh Bắc: “Hỡi anh đi đường cái quan, dừng chân đứng lại cho em than đôi lời. Đi đâu vội mấy anh ôi. Công việc đã có chị tôi ở nhà.” Hay trước những câu hò ngọt ngào của đồng bằng sông Cửu Long: “Đi đâu cho thiếp theo cùng. Đói no thiếp chịu lạnh lùng thiếp cam. Ví dầu tình có dở dang. Thì cho thiếp gọi đò ngang thiếp về.” 

Ngàn trùng cõi thế buồn trông. Dòng xuôi lịch sử nhòa trong sóng đời. Đoạn trường thanh, tiếng than hời. Khóc Kiều, khóc cả phận tôi phận người. Con thuyền tài-mệnh ngược xuôi. Từ trăm năm cũ chưa nguôi giọt sầu. Tưởng như: Thuyền đi con nước thương vay, dòng sông khóc mướn tiễn ngày bão hoang. Cùng đường sóng cuộn dở dang, đêm trăng trở dạ muộn màng thâu canh. Người ơi tôi hiểu ngọn ngành, cây sầu riêng trổ gai thành lệ thu. Ngày lìa non nước phiêu du, bưng hai con mắt hỏa mù quá giang. Thì thôi lỡ chuyến đò ngang, thân sơ thất sở bên đàng chiều dâng. Cũng đành cô lụy mây tần, trái tim khóc nghẹn nhịp dần hôn mê. Quê hương ngộ nhỡ ta về, tiếng xưa đàn vọng trăng thề còn không...? 
 
Tôi chỉ ước mong: Xin cho một nụ cười thôi, âm vang sóng nước thuyền trôi sông hiền. Nhẹ nhàng câu hát trích tiên, nguyệt lai thả tận sinh tiền tửu bôi. Thu vàng mây gió lên ngôi, vầng trăng chia nửa bên đồi dáng hoa. Thuyền từ cõi mộng hoan ca. Châu về hợp phố bến là cố hương. Khởi đi từ tỉnh mộng đầu này, nguyện chúc sau Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, chúng ta và tôi đều nhận biết: Chỉ có lòng khoan dung độ lượng, chỉ có tình yêu thương chân thật, mới có thể đưa từng người dân Việt xuất thân từ những cảnh đời khác biệt, hòa nhập trong lòng mến tràn ngập hùng khí thiêng liêng của đất nước Việt Nam Minh Châu Trời Đông.
 
Trần Hoàng
(Canh Tư, năm Đinh Dậu, tháng Ba, ngày 21)

Ảnh: Hoàng Long (Erlangen-Germany)
__________________________________
[1]. “ Tâm Hồn Cao Thượng.”  Nguyên tác bằng tiếng Ý của nhà văn Edmond De Amicis
    Thầy giáo Hà Mai Anh chuyển dịch sang Việt Văn, từ bản Pháp Văn “Les Grands Coeurs”

[2].“Lòng Ái Quốc.”  Chương thứ hai mươi tám


Nghi thức dâng Lễ phẩm...


Nghi lễ tuyên Văn tế Quốc Tổ Hùng Vương.

Bích Liên (Augsburg) với điệu múa Cô Đôi Thượng Ngàn.


Múa Quạt do các cháu thiếu nhi TP Regensburg trình diễn.

Ca sĩ Đình Quý - Nhạc công Michael Henning Waldenmaier

Ban nhạc AiThanhs Musik (Hannover). Từ trái: Diệu Miền, Thanh Bình, Ái Thanh.

Tốp ca trường Võ Lâm với ca khúc Giai Điệu Tổ Quốc (tất cả hát tiếng Việt)

Điệu ví dặm là em, chị em Phụ nữ Augsburg trình diễn.

>>Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương tại TP Regensburg, tháng Tư 2017 – 1.Album.


>>Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương tại TP Regensburg, tháng Tư 2017 – 2.Album.

 

 
 
Go to top