Berlin đang vào Đông. Nhìn những bông tuyết bay liêu xiêu, nghiêng nghiêng qua cửa sổ, phủ trắng xóa khắp lối đi, lòng tôi càng lạnh lẽo, buồn tênh, nhớ về một người bạn vừa mới ra đi: Anh Trần Mạnh Thái...

Tôi biết anh từ rất lâu. Thế nhưng để bắt đầu thân nhau là từ khi anh đến thăm tôi, đi cùng anh Thế Sáng, nhân dịp tổ chức một chiều Thơ tại nhà. Lần ấy chúng tôi đứng quây quần bên chiếc bàn tròn, vui vẻ mời nhau bia. Tôi còn nhớ đã rót cho anh cốc Erdinger. Màu bia men đục và lạnh, chảy xuôi chầm chậm vào cái cốc to 0,5 lít. Chúng tôi cạn một hơi gần nửa cốc, anh khà một tiếng, mỉm cười thỏa chí vì vừa qua cơn khát.

Bà xã tôi bảo, thế là anh có thêm một người bạn nhậu, dễ mến, nhưng trông tướng mặt anh... khác thường, giống như một anh chàng người Ấn Độ. Đúng là anh giống Ấn Kiều thật. Với bộ râu rậm và mái tóc rất đen và dày. Người.. trán hói và ít tóc như tôi chỉ có nước nằm mơ. Có lần tôi bảo, ước gì anh chia cho tôi một tí. Anh... xoa tóc tôi rồi cười khì khì, đùa: Anh Sa Huỳnh không có tóc, nhưng "cưa" được cô vợ thế là được rồi... bằng lòng đi anh... Hahaha...
 
Sau này thân quen, chúng tôi vô cùng cởi mở. Khi nhà tôi mang bầu được 3 tháng, nhiều người chúc mừng. Một trong những người vui nhất là Mạnh Thái và anh Thế Sáng. Khi gặp nhau tại nhà Văn hóa Thái Bình Dương của chị Trịnh Thị Mùi, trong một dịp hội hè, hai anh vây quanh chúng tôi, và Mạnh Thái đã không ngần ngại vuốt ve trìu mến cái bụng bầu, có cháu Lysiane đang nằm trong đó.

 


Anh Trần Mạnh Thái (†), thứ nhất từ phải.

Cháu Lysiane bây giờ đã được một tuổi rưỡi, chưa có dịp gặp người bạn của bố, và cháu sẽ không bao giờ còn cơ hội trông thấy ông già... Ấn Độ này, trong cuộc đời của bé. Người bạn thuở nào của bố đã ra đi vào một mùa Đông lạnh giá. Có chăng, khi bé lớn lên, chỉ nhìn thấy trong bức hình, một ông râu tóc rậm rạp, đang hớn hở cười vui sờ bụng mẹ.
 
Tính Mạnh Thái thích đùa vui nên tôi cũng hay đùa với chàng. Khi điện thoại với nhau, tôi thường bảo xin chào anh... Kumar.

Kumar chính là một nhân vật trong tiểu thuyết về nàng Quyên, của nhà văn Nguyễn văn Thọ, người đã cưu mang nàng trong những ngày gian khó. Khi chuyện Quyên chuyển thành phim, tôi ước gì người đóng vai Kumar sẽ là Trần Mạnh Thái, vì cái dáng dấp của anh rất hợp với nhân vật được miêu tả. Tôi nói điều đó với anh, anh chớp mắt, rồi lại cười khì khì: "Ước gì được vậy thì tha hồ có cơ hội được bế em... Quyên... Hahaha...".
 
Dĩ nhiên anh không có cơ hội đấy, vì anh không qua trường lớp đào tạo nghề điện ảnh. Nghề của anh, theo tôi biết, chính là kinh doanh. Anh có nhiều cửa hàng cho thuê, có nhà riêng, có cửa hàng cho vợ bán quần áo. Anh còn môi giới vài tiệm làm móng tay và quán ăn. Anh cũng khá thạo tiếng Đức, vì vậy cũng kiêm thêm nghề làm phiên dịch.
 
Ngoài ra cộng đồng cũng biết anh là một phóng viên nhiếp ảnh. Một người yêu và sáng tác thơ, mê viết báo. Thơ anh, dưới bút hiệu Liễu Châu, mang nặng tình yêu đất nước, bức xúc trước việc bành trướng Bắc Kinh đã xâm lấn lãnh hải, giết chết ngư dân và chiến sỹ đã anh dũng giữ biển đảo quê hương. Văn anh mang tính phê bình, từ những sự việc "trái tai, gai mắt" trong cộng đồng, đến những bất công trong xã hội Việt Nam ở quê nhà.
 
Những khi vui, anh Mạnh Thái rôm rả chuyện trò, đến nỗi có thể quên đi những gì đang xảy ra ở chung quanh. Tôi còn nhớ một lần, anh chở tôi đi tham gia một Đại hội của Liên hiệp người Việt, tổ chức ở một làng xa xôi ở ngoại ô thành phố Frankfurt. Anh đón tôi tại nhà ở Berlin rất sớm, chừng 6 giờ 30 sáng. Anh bảo phải đi sớm để đến đúng giờ, vì là một cuộc họp quan trọng.
 
Suốt trên đường đi, không bao giờ anh ngớt nói chuyện, tôi ngồi bên chỉ mỗi việc... nghe và ... gật gù. Anh kể từ chuyện đời tư, qua đến chuyện đất nước, rồi sang chuyện cộng đồng. Mãi mê và lan man thế nào, mà thay vì về ngoại ô Frankfurt, chúng tôi tới hồ Bodensee, sát biên giới Thụy Sỹ, lúc nào không biết. Thế là đành quay xe lại, đến nơi trễ gần 2 tiếng đồng hồ. Chuyến đi ấy đối với tôi là một trong những kỷ niệm khó quên.
 
Mạnh Thái cũng rất tiếu lâm. Có lần gặp tôi tại một buổi họp hội đoàn, anh đang làm nhiệm vụ phóng viên chụp ảnh, thấy tôi, anh ngừng chụp để mừng rỡ bắt tay. Tôi nhìn anh đang mang trên mình đầy các dụng cụ. Nào là máy ảnh, ống kính, trang bị túi xách chuyên nghiệp và hiện đại. Thấy tôi nhìn ra vẻ thán phục, anh liền vỗ vai một cái thật đau, chìa cho xem cái ống kính Telescop vừa mới mua, rồi cười khì khì: "Anh Sa Huỳnh thấy sao? "Đồ nghề" của Mạnh Thái... to khủng chưa... Hahaha..."
 
Tôi cũng bật cười: "Hahaha... Chẳng những to mà còn... dài thật...". Bà xã tôi đi bên cạnh đỏ mặt, chỉ muốn.... độn thổ cho rồi.
 
Khi hay tin Mạnh Thái bị bạo bệnh, tôi điện thoại nhiều lần thăm hỏi và động viên. Nhưng trớ trêu thay, khi tôi nghe qua điện thoại, anh lại động viên... ngược lại tôi. Anh bảo anh Sa Huỳnh phải thế này hay thế khác, để có thể chiến thắng được bệnh tình. Nào là anh Sa Huỳnh đừng quá tin vào y học phương Tây. Nền y học trường lớp của Đức (Schulmedizin) có nhiều điểm hay, nhưng cũng có nhiều điều cần ngờ vực. Chính vì thế mà anh phải từ chối xạ trị và hóa trị, sau khi đã nghiệm ra rằng, qua phương thức điều trị này, càng ngày anh càng đuối sức, sức chống chọi càng ngày càng yếu đi thấy rõ.
 
Một ngờ vực lớn mà anh khuyên tôi cảnh giác, đó là sự kết nối lợi ích mắc xích, giữa bác sỹ - nhà thương - với kỹ nghệ y dược. Anh nói chắc như đinh đóng cột rằng, trong ngành y dược, họ đã bỏ bao nhiêu tiền bạc vào nghiên cứu và sản xuất, dĩ nhiên họ phải kết nối với thầy thuốc và nhà thương để lấy lại chi phí. Cụ thể là làm thế nào để các dược phẩm họ làm ra, phải được tiêu thụ, theo lời khuyên của các thầy thuốc, dù có những loại dược phẩm chỉ có tác dụng rất ít, hay đôi khi không cần thiết cho bệnh nhân.
 
Theo đó, anh ngờ rằng, phương pháp xạ trị hay hóa trị, đối với anh vài lần như vậy là đủ, anh không cần làm nữa. Chưa kể là sức anh cũng không cho phép, bởi sau những lần điều trị như thế, người anh như một cái xác mệt nhoài.
 
Anh từ chối, và tự mình mày mò tìm hiểu qua sách vở, qua mạng Internet. Đặc biệt là trao đổi kinh nghiệm với những bệnh nhân cùng trường hợp như anh. Những người này đã củng cố thêm niềm tin vào sự ngờ vực của anh. Cũng như chỉ cho anh một con đường mới, có thể dẫn tới chiến thắng cơn bệnh quái ác, bằng những phương pháp trị liệu mới, không thuộc trong giáo trình quen thuộc của y học trường lớp - Schulmedizin - mà anh đang thất vọng.
 
Sau một thời gian "tự cứu", qua điện thoại, và qua nhiều bài viết trên trang Facebook cá nhân, anh hồ hởi thông báo với bạn bè, về kết quả không ngờ của cách trị liệu mới này. Rằng anh đã từng bước đẩy lùi cơn bệnh quái ác. Rằng những khối u, dù vẫn còn trong thân thể anh, nhưng đã bắt đầu "teo" lại, có dấu hiệu sẽ tan đi. Rằng con đường anh đi là đúng, mọi bệnh nhân giống anh nên cùng đi theo. Rằng các bác sỹ đã bị bất ngờ, chưa kể là vô cùng sửng sốt, trước một kết quả tích cực như vậy. Và vân vân...
 
Anh đã có một thời gian tràn trề hy vọng. Một thời gian anh có thể đứng giữa cõi đời mà hô lớn, trong niềm hạnh phúc, rằng: Chúa Phật ơi, con đã chiến thắng, con đã trở lại với cuộc sống bình thường. Trở lại với vợ con, với bè bạn, với toàn thể cộng đồng, cùng với những người yêu dấu. Và không ai phải đổ xuống cho con một dòng nước mắt, phải nói lời chia ly. Hay phải đốt lên nén hương, tặng cành hoa tang trắng. Đứng khấn lời vĩnh biệt, bên một quan tài lạnh giá...
 
Nhưng...
 
... đau đớn thay, đó chỉ là những tia hy vọng, chợt lóe lên như một vì sao băng, vụt bay ngang qua nền trời rồi lịm tắt. Để giờ đây, trong lòng tôi, từng giọt nước mắt đang chảy xuống âm thầm...
 
Sa Huỳnh
Berlin, 11.01.2017

Go to top