Anh Lê Văn Công nằm trong bệnh viện quân đội ở Berlin.


Một chiều cuối tuần ở Berlin, tôi ngồi viết trong khu vườn trước nhà, dưới bầu trời se lạnh, dù chung quanh giăng đầy ánh nắng cuối Thu.

Mùa Thu rất đẹp và cũng rất buồn, gợi trong những tâm hồn yêu thơ nhiều cảm xúc lãng mạn. Đó là cảnh lá vàng rơi trong gió, tạo thành những chiếc thảm êm ái trên nền đất. Cảnh những cánh chim cô đơn, uống vội từng giọt sương trên cành lá, trong bình minh sương mù.

Nhưng độc đáo vẫn là cảnh trăng Thu, e ấp chiếu qua những màn mây trắng, trôi lang thang trên bầu trời nhẹ nhàng, như dìu thi nhân đi vào mộng ảo.

Người có gắn bó đặc biệt với trăng Thu, trong lịch sử thơ văn nước Việt, mà ai cũng biết tới, đó chính là thi nhân Hàn Mặc Tử. Căn bệnh phong của ông là cái nguyên cớ tạo thành sự mật thiết đó. Mỗi khi trăng lên, sức hút của "Hằng Nga" - trong nghĩa đen của vật lý và lẫn nghĩa bóng của thi ca - đã ảnh hưởng tới từng vết đau trên thân xác, tạo thành những vầng thơ, cũng đau đớn như chính thân xác của chàng:
 
Trời hỡi làm sao cho khỏi đói
Gió trăng có sẵn làm sao ăn
Làm sao giết được người trong mộng
Để trả thù duyên kiếp phủ phàng...
 
Hay tiếng kêu đau đớn, mà Hàn Mặc Tử đã viết trong nỗi cô đơn, trùng điệp của đau thương: 
                   
Máu tim ta tuôn ra làm biển cả

Mà sóng lòng dồn dập như mây trôi
Sóng lòng ta tràn lan ngoài xứ lạ
Dâng cao lên, cao tột tới chân trời
Ôi ta đã mửa ra từng búng huyết
Khi say sưa với lượn sóng triền miên
Khi nhận lấy trong thâm tâm cay nghiệt
Giọng hờn đau trăm vạn nỗi niềm riêng...
 
Những tiếng kêu thương của chàng thi nhân bạc mệnh này, từ thành phố biển Qui Nhơn, của quê hương nước Việt, làm tôi nhớ đến một người yêu thơ khác, đang ở trong cộng đồng của chúng ta tại nước Đức, mà thân phận không khác gì Hàn Mặc Tử: Anh Lê Văn Công, mà tôi xin phép được gọi không ngoa là... Hàn Mặc Công!

Bởi thân thể anh cũng đầy đau nhức, nhưng lại bởi một căn bệnh hoàn toàn khác, không phải bị đau đớn vào những đêm trăng sáng như Hàn Mặc Tử, mà khi những mảng da trên mình khô cằn, tróc lở, và khi chung quanh ít bóng... mặt trời!
 
Đầu năm 2013, với nhiệm vụ là Trưởng ban Tuyển chọn cho tập "Thơ Việt ở Đức, tôi nhận được một số tác phẩm của anh Lê văn Công gởi in, với bút danh Hồn Lãng Dzu. Lúc ấy, tôi chưa hề biết anh mang trong mình cơn bạo bệnh, và cũng chẳng ngờ anh là một kẻ vô gia cư. Và thú thật, chẳng những cái bút danh, mà chính cả những vầng thơ của anh, đã làm tôi chú ý:
 
Hương cũng nhạt dần... theo cánh gió lang thang
Giọt sương long lanh sẽ tan vào nắng ấm
Đón Xuân đơn phương cuối chân trời xa thẳm
Ta nhớ Việt Nam... gậm nhấm đếm thời gian...
                              ....
Ta tóm chặt bông tuyết trắng viễn du
Chân loay hoay vẽ song hành mơ ước
Hồn đánh bóng từng ngôn từ say khướt
Dâng quê hương dấu ngấn lệ trào tuôn...

Chúng ta hãy đọc thêm nỗi thất vọng, trích qua vài câu thơ trong bài "Chợ tình":

Đêm nay, bán nốt phấn đời 
Buôn hương tàn lụi kiếm lời dăm xu 
Mai mua cân gạo biếu U 
Sắm cho em nhỏ hạt dưa, áo màu

Chợ tình cuối năm, vắng tanh teo
Ta bán hai nong, tình đói nghèo
Người mua chẳng đặng, kèo kẹt giá
Gánh mẹ nó về, nuôi bầy heo.
 
Chợ tình cuối năm, cũng tàn rồi
Ta gánh gồng về vạn hỡi ôi
Soi gương nhân ảnh, cứ tức tưởi
Loan phòng cô độc, lệ ngậm ngùi.
                  
Cách nay hơn nửa năm, vào mùa Xuân 2016, anh hẹn đến nhà tôi để nhận sách nhuận bút, theo qui định với những tác giả có thơ in trong "Thơ Việt ở Đức". Tôi trao sách cho anh, rồi cả hai chúng tôi ngồi nói chuyện trong sân nhà, dưới ánh nắng ấm mùa Xuân. Từ ấy tôi mới biết bệnh tình và hoàn cảnh sống của anh. Căn bệnh "Vảy nến" mà anh kể hôm ấy, không phải do lây lan, mà là một cơn bệnh di truyền. Trong gia đình, chỉ có mình anh và ông nội là mắc phải, bị phát ra ngoài da.

Rất nhiều khi bị cơn bệnh hành hạ, anh không còn tỉnh táo, bật thành tiếng rên, còn thảm thiết, hoảng loạn hơn cả tiếng kêu la của Hàn Mặc Tử:
 
Có những nỗi đau... quặn thắt hồn
Lõa lồ uẩn khúc... xót chua cơn
Ta đã quỳ gối... Lạy tam hướng
Chẳng thể ghì âm! Bật tiếng rên!
                   ...
Có những nỗi buồn... ủ chín thơ
Vón thành cay đắng... ực vừa ngụm đau
Xác thân nhão nhoét... thét gào
Phật ơi! Chúa hỡi! Mắt sao đứng tròng?
 
Con lạy! Ngàn vạn ma cô
Lạy ông Sư tổ! Lạy bà Đa đoan
Lạy hồn! Những kẻ dở dang
Lạy sang thần chú! Lạy quàng đâm hơi
Lạy Phật! Chễm chệ cõi Trời
Gỡ dùm nghiệp chướng trên người con ngay
 
Và khi mùa Thu đến, cảnh lá vàng rơi, nỗi buồn đau càng làm Lê văn Công thấy đơn độc, nhớ xót xa về một người con gái, giống như Hàn Mặc Tử đã nhớ về Mộng Cầm. Hãy đọc mối tình mùa Thu, rất chi là đơn phương và trơ trọi, của "Hàn Mặc Công":
 
Se lạnh tê tái thịt da
Sương Thu mới sớm... giăng qua đỉnh sầu
Lá vàng gợi sắc buồn đau
Hồn người ly xứ! Thét gào yêu ơi!
 
Nắng Thu yếu ớt chân trời
Đường Thu vắng bóng... một người ta vương
Hàng cây trơ trọi vệ đường
Dõi theo bóng kẻ... đơn phương si tình
 
Đỏ âu sắc biếc lung linh
Lão ông! Tóc bạc phận mình trổ hoa
Giọt mưa Thu... cũng vỡ nhòa
Ta-Em đơn độc... (tuổi) Xuân òa xót đau!
 
Đêm Thu! Hồn yêu thét gào
Hỡi Thu quyến rũ... Thu kiều diễm chi?
 
Khi tôi ngồi viết bài này, vào một buổi chiều mùa Thu ở thành phố Berlin, cũng là lúc người yêu thơ bất hạnh Lê văn Công đang nằm trong bệnh viện quân đội. Mấy ngày qua người ta đã đưa anh vào đấy, để cấp cứu, sau khi phát hiện anh bị hoảng loạn, sắp bị bất tỉnh vì đau đớn.
 
Qua điện thoại anh cho biết, đang sống tại một cơ sở dành cho người vô gia cư, địa chỉ Wollenberger Strasse 10, 13053 Berlin. Bởi anh không còn gì từ bao nhiêu năm qua. Không nhà, không cửa, không công ăn việc làm, chỉ vì cơn bệnh "Vảy nến" vô cùng quái ác.

Anh cũng tâm sự, khi ở tại khu nhà dành cho người vô gia cư, anh có nhiều thuận lợi hơn về tài chính, so với khi thuê căn hộ xã hội bên ngoài. Nơi đó anh không phải trả tiền điện, tiền nước. Cả tiền ăn anh cũng không tốn, vì thức ăn do các tổ chức từ thiện mang đến. Các siêu thị có hàng hóa sắp hết hạn, hay các rau quả sắp chín hư, họ đều làm quà từ thiện cho các cơ sở xã hội.

Vì vậy mà số tiền trợ cấp hằng tháng 404 € còn nguyên vẹn, anh sử dụng để mua kem thoa da cần thiết, hay mua các loại thuốc đặc biệt, không nằm trong danh sách mà hãng bảo hiểm sức khỏe AOK không có trách nhiệm chi trả. Chính vì thế mà anh không ra ngoài ở, dù từ 3 tháng nay anh đã được cung cấp nhà xã hội, mà nhà nước phải trả hằng tháng khoảng 450 Euro.
 
Nhưng anh cho biết thêm rằng, điều bất tiện khi ở tại nhà của người vô gia cư, nếu mình vắng mặt sau 3 ngày thì sẽ bị gạch tên, mất chỗ ăn ở. Khi xin vào lại rất khó.

Vì thế khi muốn đi đâu xa và lâu, chẳng hạn như về Việt Nam chữa bệnh, việc đầu tiên làm là anh phải đăng ký xin chỗ ở bên ngoài, tốn kém nhiều hơn, nhưng khi vào lại nước Đức sẽ không có vấn đề.
 
Anh sinh năm 1963 tại cố đô Huế, là quê hương của bố, còn mẹ là người quê Hà Nội. Cả hai người đều đã qua đời, khi anh còn nhỏ.
Trước khi qua Đức, anh cộng tác với báo Công an Nhân dân. Từ năm 1987 anh qua Đông Đức, theo diện hợp tác lao động. Làm việc chung với nhiều người Việt Nam, tại hãng giày ở Schwedt Oder. Một thành phố nhỏ với khoảng 3 vạn người dân, thuộc miền Tây vùng Uckermark.
 
Anh đã có vợ và một đứa con trai sinh năm 1992. Hai người đã ly dị từ năm 1996. Hiện nay anh không còn liên lạc với gia đình, nhưng anh vẫn biết đứa con mình đã đỗ vào Đại học ở Đức. Còn vợ thì không biết tin tức ra sao.
 
Anh cũng cắt đứt liên lạc với vợ chồng người em trai, đang sống sung túc ở Việt Nam. Lý do anh không nói rõ cho tôi biết, dù tôi có gạn hỏi đôi lần. Và cuối cùng tôi nghĩ, theo những lời bộc lộ qua câu chuyện, anh đang mang đầy mặc cảm trong số phận hẩm hiu, chẳng muốn quan hệ làm rầy rà ai, sợ người ta tưởng mình đến để cầu xin sự bố thí. Có lần "Hàn Mặc Công" bảo với tôi, nếu ai giúp mình vì tấm lòng thì anh sẽ nhận, với sự biết ơn, còn ai "ném" tiền vào như bố thí, hay "đổi chác" với điều kiện nầy nọ, thì anh xin được chối từ!
 
Anh tâm sự, đang cần một số tiền khoảng 5 đến 6 ngàn Euro để về Việt Nam chữa bệnh. Trong vòng 3 đến 4 tháng, theo phương pháp Y học Dân tộc cổ truyền. Bởi theo anh, nền Y học Tây phương ở Đức, hầu như đã bó tay với sự đau đớn triền miên của anh. Bệnh anh phát ra từ 5 năm nay, đã nằm lâu ngày tại Viện da liễu Hanau, đã qua nhiều lần trị liệu bằng ánh sáng, với một bác sỹ chuyên về da ở Berlin, nhưng không mang lại kết quả gì, bệnh đang trầm trọng thêm.

Anh còn tia hy vọng với tí hào quang cuối cùng: bệnh có thể thuyên giảm khi thân thể được tắm đủ liều lượng ánh nắng và nước muối, mà những thứ này ở Việt Nam không thiếu.

Anh cũng bảo, khi về Việt Nam sẽ xin vào tá túc tại một góc chùa ở đâu đó. Vì trên quê hương mình, anh không còn bạn bè thân quen. Mà nếu có, cũng không ai cho nhờ nơi nương tựa, vì lo ngại bị ảnh hưởng đến cho sức khỏe, cũng như làm xáo trộn cuộc sống gia đình người ta.
 
Tôi hỏi sao cần đến ngần ấy tiền, và tìm ở đâu ra?
 
Qua điện thoại anh nói: Anh Sa Huỳnh ơi, em đã in ra một mớ tờ rơi "Xin Mảnh Tình Dư", đi lang thang làm kẻ ăn mày, phát cho khách bộ hành khắp phố phường Berlin. Có người thấy thương cho vài chục hoặc đôi ba đồng. Có một số người cũng chuyển tiền vào ngân khoản của em.
 
Nhưng thật ra không có hiệu quả gì lắm. Số tiền vài nghìn Euro chắc em sẽ không bao giờ có được. Chưa kể một số ân nhân còn đòi tiền lại, lý do là người ta cho tiền đã lâu, nhưng rồi không thấy em về Việt Nam chữa bệnh. Họ ngờ rằng em lừa họ. Hoặc sử dụng tiền vào những lý do cá nhân khác, không đúng mục đích họ cho.

Em hoàn toàn hiểu nỗi ngờ vực của người ta, vì thế ai đòi lại là em chuyển tiền lui lại cho họ ngay. Còn ai muốn nghĩ sao thì nghĩ. Phần em vẫn cố gắng quyên góp theo khả năng của mình. Chừng nào đủ số tiền em sẽ đi ngay.
 
Trong số tiền ấy, em phải chi ra 1800 Euro đóng cọc 4 tháng tiền nhà, để có nơi mà trở về khi sang lại nước Đức. Tiền vé máy bay tối đa 1 nghìn nữa, tùy theo thời điểm. Còn lại khoảng 2 đến 3 nghìn là tiền ăn uống, tiền thuốc và trả những lần chữa chạy theo phương pháp trị liệu Y học Dân tộc. Tiền chi cho việc di chuyển trong nước, cũng như những phát sinh ngoài ý muốn, vân vân.
 
Sau buổi điện đàm, tôi vào trong mạng, tìm hiểu thông tin y học về căn bệnh lạ lẫm, mà "Hàn Mặc Công" đang mắc phải này. Trích vài thông tin trong mạng như sau:

"Bệnh vảy nến là một rối loạn da, không hề lây lan. Bệnh tạo nên những mảng lớn màu đỏ tía, tróc vảy trên da. Vảy màu trắng bạc xếp nhiều lớp, dễ tróc. Những mảng này dầy, thường ở khuỷu, đầu gối và da đầu, nhưng cũng có thể gặp ở những nơi khác. Khi cạo vào mảng này vảy tróc ra từng phiến mỏng và có cảm giác như cạo vào thân cây đèn cầy nên có tên là bệnh vảy nến.

Về thể chất, bệnh vảy nến mang đến sự khó chịu, ngứa ngáy, đau đớn tại các tổn thương trên da gây nứt và chảy máu. Những người mắc bệnh này thường mặc cảm với bản thân, tự ti. Họ còn bị cộng đồng kỳ thị lánh xa vì nhầm với các bệnh truyền nhiễm khác như phong, giang mai và thậm chí cả Siđa (HIV).

Nhận diện bệnh như sau:

  • Vảy nến ở da: Trên da có các mảng đỏ ranh giới rõ, phía trên có vẩy dày màu trắng. Khi chạm vào vùng da bị bệnh thì thấy khô, cứng. Khó xác định hơn nếu thương tổn chỉ có ở đầu do tóc che khuất.
  • Vảy nến ở móng: Móng dày hoặc có nhiều lỗ nhỏ trên bề mặt móng.
  • Vảy nến ở khớp: Các khớp bị biến dạng, bệnh nhân khó vận động.
  • Vảy nến thể mủ: Trên da có các mụn mủ khô và nông.
  • Vảy nến thể đỏ da toàn thân.

 
Có 5 yếu tố sau đây là nguyên nhân sinh bệnh:

  1. Di truyền: Khoảng 30% bệnh nhân có yếu tố gia đình, 70% các cặp song sinh cùng mắc.
  2. Nhiễm khuẩn: vảy nến ở trẻ em, vảy nến thể giọt người ta phân ra được liên cầu khuẩn ở tổn thương và điều trị kháng sinh thì bệnh thuyên giảm.
  3. Stress: Làm bệnh tái phát hoặc đột ngột nặng lên.
  4. Thuốc: Bệnh vảy nến xuất hiện sau khi sử dụng một số thuốc.
  5. Hiện tượng thương tổn mọc lên sau các kích thích cơ học (gãi, chà xát) hoặc các kích thích lý hóa.

Ánh sáng mặt trời có tác dụng tốt trong bệnh vảy nến, nhưng không nên phơi nắng quá lâu bởi vì nếu để da bị bỏng nắng, bệnh sẽ trở nặng."
 
Tìm hiểu xong, tôi thấy cũng hiểu thêm nỗi buồn, cũng như mặc cảm của anh Lê văn Công, khi phải sống chung với căn bệnh của mình, và bị mọi người xa lánh, hay anh phải xa lánh mọi người.
 
Nỗi đau đó anh đã gởi vào thơ, như một người bạn duy nhất còn ở lại với anh. Và cũng như Hàn Mặc Tử, anh say đắm với trăng, mời trăng cùng uống rượu để say sưa, nghiêng ngả quên nỗi buồn đơn lẻ:
 
Em nằm đó... thuyền trăng ngoài vũ trụ
Thả nỗi buồn... theo cánh gíó lang thang
Nơi trần thế... ta một kiếp đa đoan
Bày tiệc rượu... phơi quán nghèo quạnh quẻ
                  
Mời người ghé... quán nửa khuya đơn lẽ
Nâng chén môi ngoan... trú trọ hồn
Cùng ta nghiêng ngả... buồn san sẻ
Đỡ cảnh đơn lòng... héo úa Xuân
 
Ghé đây trăng... cùng ta chén hàn huyên
Phải duyên đôi lứa... chèo thuyền sang sông
Mặc mây mưa... trút cuồng ngông
Vẫn hơn cô quạnh... má hồng nhạt phai.
 
Viết xong bài này, tôi định có thời gian sẽ đi gởi anh một chút tiền, cũng chỉ vài chục Euro thôi, gọi là cùng góp phần vào "dự án Y học Dân tộc" của anh ở quê nhà. Trong tờ rơi, "Hàn Mặc Công" đã ghi rõ số ngân khoản nhận tiền:
 
Nhà băng: Sparkasse Berlin

IBAN: DE61 1005 0000 1064 5660 02

BIC: DELADEBExxx

Tên người nhận: Le, Van Cong

Ghi thêm mục đích: Spende für medizinische Behandlung

 
Hiện nay anh đang nhận tiền của Sở lao động (Jobcenter), nhưng khi nhận thêm khoản tiền này, người ta vẫn không cắt tiền hằng tháng, nếu chúng ta ghi vào là tiền giúp đỡ chữa bệnh (Spende für medizinische Behandlung). Cả với Sở tài chính (Finanzamt), anh nói cũng không có vấn đề gì.

Anh cũng hứa sẽ "báo cáo tài chính" với chúng ta rành mạch, về các khoản thu-chi. Và để thêm rõ ràng, anh chị nào gởi tiền nên cho tôi - tác giả bài viết này - biết thông tin, gởi qua địa chỉ: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it. , hoặc điện thoại: 0173 314 4557.
 
Anh cũng đồng ý rằng, nếu trong cộng đồng có ai đủ uy tín, đứng ra thay anh nhận số tiền giúp đỡ này thì hay nhất. Rồi vị đó sẽ chi tiền ra, khi anh lên lịch thực hiện chuyền đi về Việt Nam chữa bệnh. Thế nhưng phương án này hiện nay khó thành hiện thực, vì ai chịu đứng ra đây?
 
Tôi viết bài này giúp đỡ theo ý muốn của anh - như đã viết Email cho tôi hôm 27.10.2016:

"... Mong anh Sa Huỳnh hết lòng giúp giùm. Cảm ơn anh. Biết anh là người tham gia nhiều hội hè, có nhiều bài đăng trên các báo mạng... Vậy anh có thể giúp em đăng giùm tin trên báo mạng, hội từ thiện, xin giúp em một khoản tiền để em về VN chữa bệnh không? Anh Sa Huỳnh ơi, em đang ở trên con đường cùng, ngửa tay xin tiền là cả một vấn đề. Nhưng vẫn hơn là chấp nhận đời phế nhân vĩnh viễn. Dù hy vọng nhỏ nhoi thì vẫn là hy vọng. Hy vọng rằng anh Sa Huỳnh giúp được em chút gì."  
 
-  Tôi mong quí vị trong cộng đồng người Việt tại Đức, những doanh nhân thành đạt, những người có khả năng tài chính, nhủ lòng thương, làm phước góp tiền ủng hộ. Đặc biệt kêu gọi các bạn thơ, người yêu thơ và các tác giả trong Tuyển tập "Thơ Việt ở Đức", dù ai cũng biết, những thi nhân thường ai cũng nghèo, vì Thơ không thể làm ra "cơm, áo, gạo, tiền". Nhưng với một hay hai chục Euro, tặng một người bạn thơ đang rên xiết, thì chắc cũng không có chi là quá sức.
 
Anh "Hàn Mặc Công" cũng hứa, khi nào đỡ bệnh và được đi làm có tiền, anh sẽ trả lại cho chúng ta. Tôi biết, đây không chỉ là một lời hứa, để cho ta niềm tin khi đóng góp, mà là một mơ ước khổng lồ, rất khó thực hiện đối với anh, khi hôm nay thân mình anh đang oằn oại trên giường bệnh.
 
Dĩ nhiên quí vị hãy suy nghĩ kỹ càng trước khi gởi tiền, dựa theo thông tin tôi chuyển tải trong bài viết này. Vì sự giúp đỡ tùy theo lòng hảo tâm, suy xét sự việc của mỗi chúng ta.

Sau cùng, tôi nghĩ, còn đúng một tháng nữa là Lễ Giáng Sinh, kỷ niệm ngày Chúa ra đời. Đây là một cơ hội để chúng ta mang đến cho đồng loại, bạn bè và người thân yêu một niềm vui, may mắn và hy vọng ở tương lai.

Nếu trên cõi thế gian và vũ trụ này có Trời, có Phật, với quyền lực nhiệm mầu và luật nhân quả linh ứng để thưởng phạt công minh, thì chắc chắn các Ngài sẽ không quên những ai có lòng bác ái, thương người.
 
Riêng tôi, nhìn luật nhân quả theo cái nhìn khoa học: Khi mình làm việc thiện, tâm hồn sẽ nhận được sự thanh thản, vui vẻ và bình an. Nhờ đó sức khỏe sẽ tốt hơn, không bị Stress. Và khi con người được tươi vui, thoải mái và thông minh, thì dễ dàng có những quyết định đúng đắn dẫn đến thành công, đạt được cuộc sống vui cùng quan hệ hài hòa ngoài xã hội, cũng như hạnh phúc trong phạm vi gia đình.
 
Theo cái nhìn đó, luật nhân quả dù có nguồn gốc từ lòng tin tôn giáo, nhưng cũng chỉ là một bài toán cộng-trừ hết sức đơn giản, mà ai cũng có thể tìm ra đáp số, đó là nhằm cân bằng được hai giá trị đạo đức: Cho và nhận, hoặc vay và trả.
 
Vì vậy, không chỉ riêng vào dịp Giáng Sinh, mà cả những dịp thuận tiện khác trong cuộc đời, chúng ta hãy cho nhiều hơn, để được nhận nhiều hơn!
                  
Sa Huỳnh - Berlin, mùa Giáng Sinh - 24.11.2016 

 


Chở che...(ảnh Internet)


 

Go to top