Phút mặc niệm anh linh những người con Việt đã hy sinh cho sự toàn vẹn của Tổ quốc Việt Nam

Ngày 26/7/2015 tại Berlin, Ban liên lạc các cựu quân nhân và gia đình thương binh, liệt sĩ tại CHLB Đức đã tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 68 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ Việt Nam và Đại lễ cầu siêu anh linh các anh hùng liệt sĩ và đồng bào đã anh dũng hy sinh trong sự nghiệp bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất Tổ quốc. 

Đại Lễ cầu siêu do Đại Đức Thích Thông Đạt, Đại Đức Thích Đồng Trình cùng Tăng chúng Tổ Đình Vĩnh Nghiêm Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì và hành lễ. Tham gia Đại lễ còn có Thượng tọa Thích Từ Nhơn, trụ trì chùa Từ Ân, Đại đức Thích Tuệ Kiến (người Đức), các sư cô Tuệ Thông, Tuệ Trí, Tuệ Nguyệt chùa Linh Thứu, Berlin và cô Bích Ngọc, Thủ nhang Phủ Đồng Tâm, Erfurt.
 
Tham dự Đại lễ có đại diện một số hội đoàn, cựu quân nhân và đông đảo thân nhân, gia đình thương binh, liệt sĩ ở Berlin và một số địa phương ở Đức như Cottbus, Erfurt, Nürnberg…Đặc biết có các cựu quân nhân, gia đình có thân nhân là TBLS từ TP Rostock, cách Berlin hơn 200 ki-lô-mét cũng về dự rất đông.
 
Không khí thiêng liêng, xúc động bao trùm Đại lễ với trên 200 bài vị trên bàn thờ các liệt sĩ, đồng bào đã hy sinh trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc và thống nhất đất nước, trong đó có bài vị của 128 liệt sĩ là thân nhân của những bà con đang sinh sồng tại CHLB Đức, 64 chiến sĩ đã ngã xuống trong bảo vệ đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa năm 1988 và 75 chiến sĩ đã ngã xuống trong bảo vệ quần đảo Hoàng Sa năm 1974.
 
Trước khi Đại lễ bắt đầu, nhiều người tham dự đã đăng ký tên tuổi, thân nhân là liệt sĩ để các Đại đức cầu siêu
 
Sau lễ chào cờ với bài „Tiến quân ca“ và một phút mặc niệm với bài „Chiêu hồn tử sĩ“, ông Dương Xuân Viễn, Trưởng ban liên lạc các cựu quân nhân và gia đình TBLS Việt Nam tại CHLB Đức đã phát biểu, nói về mục đích, ý nghĩa của lễ kỷ niệm Ngày TBLS để thể hiện đạo lý „uống nước nhớ nguồn“, tri ân những người đã hy sinh vì Tổ quốc.
 
Ông Lê Hồng Cường, con liệt sĩ và bản thân là thương binh, ông Trương Định, một doanh nhân thành đạt, có cả cha và mẹ đều là liệt sĩ đã phát biểu, tâm sự về tình cảm của một người mồ côi và cảm tưởng xúc động của mình trong Ngày TBLS, coi như ngày giỗ của cha, mẹ mình vậy.
 
Tiếp theo đó, Đại đức Thích Thông Đạt và các đại sư đã chủ trì và hành lễ cầu siêu trong khoảng 3 giờ đồng hồ, cầu cho anh linh các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cho Tổ quốc được siêu thoát, cầu cho quốc thái dân an, xã hội dân chủ, gia đình hạnh phúc, cầu cho hòa hợp dân tộc để xây dựng đất nước vững mạnh…
 
Tại Đại lễ cầu siêu, các vị Đại đức cũng làm lễ phóng sinh cho chim và cá…
 
Đặc biệt, Lễ kỷ niệm Ngày TBLS và Đại lễ cầu siêu năm nay tại Berlin được tổ chức trong một hội trường rộng nên có thể bày được nhiều ban thờ, không tổ chức trong các nhà hàng như những năm trước nên không khí thanh tịnh, trang nghiêm. Ban tổ chức cũng quy định chặt chẽ không cúng rượu bia và thức ăn mặn, chỉ cúng đồ chay.
 
Những người dự Đại lễ cầu siêu, đặc biệt là con em các liệt sĩ đã rất xúc động với không khí trọng thể, trang nghiêm của buổi lễ nên nhiều người không cầm được nước mắt.
 
Sau các nghi lễ chính thức, những người tham dự đã được thưởng thức một chương trình văn nghệ „cây nhà, lá vườn“ phong phú do các nghệ sĩ có tiếng trong cộng đồng trình diễn, từ các bài nói về tình quân dân, về tình cảm với các thương binh, liệt sĩ cho tới các bài dân ca Quan họ Bắc Ninh…

Bài: Văn Long (Thoibao.de)
Ảnh: Thoibao.de và Ban TT LH

Ban chứng minh và chủ trì đại lễ cầu siêu


Nghi lễ phóng sanh

Phật tử Đồng Đàn (Chùa Vĩnh Nghiêm Nürnberg)

Thành kính theo dõi lễ cầu siêu...

Xúc động nghẹn ngào

Ông Trương Định với bài vị của cha, mẹ mình đều là liệt sĩ

Ông Dương Xuân Viễn, Trưởng ban liên lạc phát biểu kỷ niệm Ngày TBLS

Ông Lê Hồng Cường, cựu quân nhân, thương binh và có cha là Liệt sĩ

Tiết mục của CLB Đoàn Kết Berlin
 

 
Go to top